Chính sách

Lợi nhuận khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thấp

DNVN - Bộ Tài chính nhận định, lợi nhuận khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thấp. Một bộ phận người lao động thuộc khu vực này còn có tâm lý đánh đổi môi trường lấy kinh tế theo tư duy tăng trưởng trước, làm sạch sau.

Nghệ An: Giữ làng nghề truyền thống nhờ mô hình HTX / HTX dệt may thoát khó khăn bằng liên kết xuất khẩu sang Nhật

Chia sẻ báo cáo của Bộ Tài chính tại Diễn đàn hợp tác xã Quốc gia 2025 với chủ đề "Chuyển đối sản xuất xanh cho phát triển bền vững", sáng ngày 11/4, ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, khu vực kinh tế tập thể trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.

Số lượng hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Các HTX đã đầu tư máy móc, chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, không gian, dư địa và mục tiêu, yêu cầu từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm (hiện nay chỉ còn khoảng dưới 4%).

Phần lớn HTX, tổ HTX có quy mô nhỏ nhỏ lẻ, vốn ít, doanh thu thấp, phạm vi hoạt động hẹp. Thống kê sơ bộ đến hết năm 2024, số HTX có dưới 10 lao động chiếm hơn 70% tổng số HTX đang hoạt động; doanh thu bình quân chỉ đạt 3.551 triệu đồng/HTX/năm; nguồn vốn bình quân đạt khoảng dưới 10 tỷ đồng/HTX…

Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể phát biểu tại diễn đàn.

Với quy mô nhỏ lẻ, các HTX khó có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp.

Năm 2024 chỉ 53,9% số HTX có hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi bình quân một HTX năm 2024 đạt 352 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX đạt 59 triệu đồng/người/năm.

“Lợi nhuận và thu nhập của lao động khu vực kinh tế tập thể, HTX tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, có nguy cơ tụt hậu xa, giảm khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Do lợi nhuận, thu nhập thấp nên một bộ phận còn có tâm lý đánh đổi môi trường lấy kinh tế theo tư duy tăng trưởng trước, làm sạch sau”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Tài chính, tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu, nội dung liên kết, dịch vụ cho thành viên còn giản đơn. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chưa phổ biến.

Khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế. Việc bố trí kinh phí sự nghiệp còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng được cả về nhu cầu số lượng kinh phí và nội dung chính sách. Hiện chưa có gói tín dụng ưu đãi riêng cho kinh tế tập thể, HTX. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX đã được nâng lên nhưng còn thấp so với các khu vực khác.

Để chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận công nghệ, tài chính, đào tạo và mở rộng thị trường, Bộ Tài chính khuyến nghị cần tích cực triển khai Luật HTX năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hoặc bãi bỏ các cơ chế, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý chưa phù hợp với tình hình thực tế, có mâu thuẫn với Luật HTX năm 2023 và các văn bản hướng dẫn.

Cùng đó, cần theo dõi, tháo gỡ khó khăn trong việc lập và phân bổ dự toán thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm