Chính sách

Lực cản mục tiêu tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm

DNVN - Là nền kinh tế có độ mở cao nên Việt Nam cũng không nằm ngoài cơn bão giá xăng dầu - hệ lụy của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế 6 tháng đầu năm chưa cao, nhưng đây được dự báo là một trong những lực cản lớn đối với mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.

Bình ổn giá xăng dầu: Bộ Công Thương đã có đề xuất phải giảm thuế / VCCI: Về lâu dài cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Nhiều lực cản
Tại họp báo mới đây về số liệu kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022, đại diện Tổng Cục Thống kê nhận định: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine và chính sách Zero COVID của Trung Quốc hiện nay tiếp tục là gọng kìm siết chặt nền kinh tế thế giới khiến kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại.
Trong đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong 4 tháng qua đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực và nhiên liệu toàn cầu gây ra nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu và làm cho giá cả trên thế giới gia tăng.
Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022.

Nhiều lực cản ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP nửa cuối năm nay.
Giá dầu thô, khí đốt thế giới tăng cao làm giá xăng dầu trong nước tăng cao dẫn tới tăng chi phí đầu vào các ngành sử dụng xăng dầu, gây áp lực trong việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Mặc dù mức độ ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine tới nền kinh tế 6 tháng đầu năm chưa cao, nhưng đây được dự báo là một trong những lực cản lớn đối với mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2022.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Do đó, chi phí sản xuất tăng làm cho giá sản phẩm chăn nuôi nhiều khả năng sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi lợn.
Vận chuyển hành khách chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của 6 tháng đầu năm các năm 2017-2019 (lần lượt là 9,3%; 9,9% và 10,7%).
Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 xuất siêu 710 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức xuất siêu 5,86 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020 (năm bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19). Bên cạnh đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số mặt hàng giảm như: rau quả giảm 17,2%; hạt điều giảm 7,8%; chè giảm 1,3%; clanh ke và xi măng giảm 7,7%; sản phẩm từ cao su giảm 12%.
Giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistic... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô.
Thêm vào đó, dịch bệnh COVID-19 với các biến thể mới có thể diễn biến phức tạp cũng là mối nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu đang gia tăng, lãi suất USD tăng cũng là nhân tố ảnh hưởng tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách "Zero COVID" với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm.
GDP có thể tăng 6-6,5%
Tuy nhiên, đại diện Tổng Cục Thống kê cho rằng, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022 với một số căn cứ sau:
Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và mức độ bao phủ vaccine cao. Điều nay đã giúp Việt Nam sớm quay lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn và mở cửa du lịch quốc tế, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã được diễn ra thuận lợi và gặt hái những kết quả ấn tượng trong quý II và 6 tháng/2022. Đây chính là bước đệm tốt cho phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.
Thứ hai, Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% cao hơn 0,68 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 4,37 điểm phân trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, nền kinh tế quý II có những bước phát triển khá, nhất là khu vực dịch vụ (đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây).... tiếp đà phát triển trong quý II. Cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động vào kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm.
Theo đó, kinh tế quý III sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do quý III năm trước âm hơn 6%) và quý IV không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ rất tốt đạt và có khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6-6,5%.
Để đảo tăng trưởng theo mục tiêu cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả, đúng nội dung, đúng đối tượng của các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 để chủ động trong phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội là bước đi quan trọng, cấp bách trong điều kiện hiện nay.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm