Chính sách

Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" có xu hướng sụt giảm

DNVN - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), sau thời gian phát triển rầm rộ, mô hình "cánh đồng mẫu lớn" có xu hướng sụt giảm.

Lợi ích từ xây dựng cánh đồng mẫu lớn / Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững

Bộ NNPTNT cho biết, xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo nói riêng và các loại cây trồng khác trong những năm tới, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 34/NQ-CP năm 2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, đồng thời đáp ứng mục tiêu xuất khẩu gạo đạt từ 6-6,5 triệu tấn/năm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ra đời đã từng bước chấm dứt tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tồn tại nhiều năm với giá trị thấp, khắc phục tình trạng nông dân sản xuất hàng chục giống lúa khác nhau trên cùng một cánh đồng, khiến chất lượng lúa gạo xuất khẩu giai đoạn những năm trước trong tình trạng rủi ro, bấp bênh, giá trị thấp.

Đây là mô hình sản xuất được nông dân trồng một loại giống lúa, doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và được bao tiêu sản phẩm với mối liên kết 4 "nhà", gồm: Nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà nước – nhà khoa học.

Mối liên kết này nhằm đảm bảo tăng giá trị sản xuất trên mỗi hecta canh tác lúa, đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản...

Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" có xu hướng sụt giảm.

Đóng vai trò to lớn trong mô hình “cánh đồng mẫu lớn” kể từ năm 2011 đến nay phải kể đến vai trò của các doanh nghiệp “anh cả” ngành lúa gạo như Tân Long, Lộc Trời, Trung An, Gentraco...

Theo Bộ NNPTNT, sau thời gian phát triển rầm rộ, hiện nay diện tích trồng lúa theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" có xu hướng sụt giảm bởi đầu tư mô hình này đòi hỏi nguồn vốn cũng phải hùng hậu.

Đầu tư cánh đồng mẫu lớn hiện nay không chỉ 4 "nhà", mà phải có sự tham gia của 5 "nhà": Ngoài 4 "nhà" nêu trên, cần có sự tham gia của nhà băng. Các ngân hàng cần có chính sách ưu đãi đối với nông dân, doanh nghiệp tham gia mô hình này.

Doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình này lại thiếu vốn, việc vay vốn ngân hàng còn nhiều khó khăn.

Hiện các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện mô hình “cánh đồng lớn” chiếm tỉ lệ dao động khoảng 10%-20% tùy vụ và tùy năng lực xuất khẩu từng năm so với tổng diện tích sản xuất lúa toàn vùng (khoảng 1,5-1,6 triệu hecta/vụ).

Thí điểm cho thấy mô hình "cánh đồng mẫu lớn" đã phát huy giá trị của gạo Việt, đưa xuất khẩu gạo vào giai đoạn mới - giảm số lượng nhưng tăng giá trị kim ngạch.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm