Ngành nông nghiệp cần tăng tốc
Rà soát chính sách tín dụng nông nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản / EuroCham: Cần giảm lãi suất cho vay để thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Theo các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 27/12, năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Toàn ngành đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp, khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2024 khoảng 3,3% (cao hơn mức Chính phủ giao từ 3-3,2%). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 62,5 tỷ USD, thặng dư thương mại 17,9 tỷ USD; tạo lập mức kỷ lục mới cả về tổng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại (chiếm khoảng 72% thặng dư thương mại toàn nền kinh tế).
Ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường. Đồng thời tập trung khai thác hiệu quả việc xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU; phát triển thị trường mới Halal, châu Phi...
Việc phê duyệt, triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) từ năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả.
Đơn cử trong năm 2024, lễ hội trái cây Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) - trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa, thị trường có giá trị cao và nhu cầu lớn. Đây là một bước tiến khi trong thời gian qua, trái cây Việt Nam phần nhiều còn xuất khẩu qua đường biên mậu, tiểu ngạch và trực tiếp vào các tỉnh phía nam Trung Quốc giáp với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam.
Cùng đó, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) phát triển mạnh mẽ (số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đạt trên 14.600 sản phẩm, tăng trên 3.500 sản phẩm so với năm 2023).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với những kết quả mà các báo cáo, ý kiến đã chỉ ra. Thủ tướng nhấn mạnh thêm 3 thành tựu, kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đó là kết quả trong phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3; khẳng định tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể" trước những khó khăn do đứt gãy thị trường, thiên tai, bão lụt; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cũng theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã bảo đảm lương thực thực phẩm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà ngành cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Ngành chưa khai thác hết, chưa phát triển ngang tầm tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nền văn minh lúa nước.
Công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nhanh và bền vững còn hạn chế. Việc gỡ bỏ "Thẻ vàng" của EC đối với đánh bắt hải sản còn nhiều khó khăn, thách thức...
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích của cả nhiệm kỳ 2021-2025, năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp, chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Do đó, ngành nông nghiệp phải tăng tốc, bứt phá, cùng cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Về các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phải tăng tốc, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,5-4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phấn đấu đạt 70 tỷ USD. Đồng thời, tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 60%; tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo