Chính sách

EuroCham: Cần giảm lãi suất cho vay để thu hút đầu tư vào nông nghiệp

DNVN - Theo EuroCham, một trong những yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này phụ thuộc vào các ưu đãi tiếp theo từ Chính phủ. Cần giảm lãi suất cho vay nhằm tối ưu hóa vốn lưu động, tài trợ cho các kế hoạch mở rộng chi tiêu vốn của doanh nghiệp.

Rà soát chính sách tín dụng nông nghiệp, đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản / Đề xuất nâng mức trợ cấp an sinh trong bối cảnh cải cách tiền lương

Các phương án tài chính

Trong Sách Trắng công bố mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra hơn 20 mục khuyến cáo, trong đó có lĩnh vực về nông nghiệp.

Theo EuroCham, các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đã trở nên linh hoạt hơn trong cách quản lý hoạt động tài chính khi chuyển từ giao dịch tiền mặt sang nền tảng kỹ thuật số, tìm cách tối ưu hóa hơn nữa vốn lưu động.

Nông nghiệp vốn là một lĩnh vực được khuyến khích và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giới hạn lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ ở mức 4,5%.

EuroCham nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực này sẽ phụ thuộc vào các chương trình hoặc ưu đãi tiếp theo từ Chính phủ. Qua đó giảm lãi suất cho vay cho các phương án tài chính nhằm tối ưu hóa vốn lưu động và tài trợ cho các kế hoạch mở rộng chi tiêu vốn của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh rộng hơn, đầu tư vào nông nghiệp bền vững cũng có thể chịu tác động gián tiếp của một chính sách quy mô lớn như Quy hoạch phát triển điện lực VIII (Quy hoạch điện VIII). Một chính sách như vậy sẽ có tác động theo chiều ngang, ảnh hưởng đến quyết định của các doanh nghiệp vào Việt Nam đầu tư.

Vì vậy, lộ trình thực hiện các phương án tài trợ cần tính đến các chính sách, chương trình như vậy để phát triển toàn diện và lâu dài.

Theo EuroCham, một trong những yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp sẽ phụ thuộc vào các chương trình hoặc ưu đãi tiếp theo từ Chính phủ.

Một lĩnh vực trọng tâm quan trọng khác xoay quanh chương trình Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) hoặc phát triển bền vững. Các chính sách ở châu Âu đối với ngành nông nghiệp hiện đang tập trung nhiều hơn vào khái niệm này thông qua các chính sách tiếp cận mới như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Quy định Chống phá rừng của EU (EUDR).

Những chính sách này là một phần của hệ sinh thái chính sách thiết lập một môi trường kinh doanh thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng và thích ứng với các tiêu chuẩn cao hơn về tính bền vững.

Chẳng hạn như trong EUDR, người tiêu dùng châu Âu sẽ không tiêu thụ bất kỳ sản phẩm nào góp phần gây ra nạn phá rừng.Ngoài ra, các chính sách này không chỉ tác động trong khu vực EU, các nước giao thương với EU cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững của EU.

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam chưa có chương trình hoặc ưu đãi cụ thể nào để giúp doanh nghiệp chuyển sang phát thải ròng bằng 0 hoặc nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tiến trình thực hiện ESG vẫn còn chưa được củng cố.

“Chúng tôi nhận thấy, nhiều công ty thực hiện chương trình ESG một cách nghiêm túc và đang nỗ lực hướng tới tham vọng phát thải ròng bằng 0 với các ưu tiên và kế hoạch rõ ràng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy nhiều công ty không muốn tiếp tục do chi phí vận hành ban đầu để đầu tư vào các mục tiêu ESG còn cao.

Chương trình ưu đãi của Chính phủ sẽ khuyến khích nhiều công ty hơn bắt đầu thực hiện chương trình ESG một cách nghiêm túc hơn, đặc biệt là ngành nông nghiệp vốn là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam”, ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham cho hay.

Dùng nhiều phương án tài trợ vốn lưu động

Theo ông Gabor, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cùng với các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về các lợi ích của vốn lưu động cho toàn bộ hệ sinh thái của doanh nghiệp, từ nhà cung cấp đến nhà phân phối, người mua và đến khách hàng cuối.

Điều này sẽ có lợi cho nền kinh tế. Quan trọng hơn, việc sử dụng nhiều phương án tài trợ vốn lưu động hơn như tài trợ chuỗi cung ứng hoặc tài trợ nhà phân phối so với các phương án cho vay thông thường sẽ giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp cũng như giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả hơn.

Về khía cạnh ESG, việc chưa có các kế hoạch và ưu đãi cụ thể từ Chính phủ có thể là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp trì hoãn việc thực hiện kế hoạch ESG của mình vốn sẽ không tốt cho nền kinh tế khi Việt Nam có mục tiêu cụ thể là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Sách Trắng của EuroCham khuyến nghị, các bộ và tổ chức tài chính nên tổ chức các hội thảo để đào tạo cho doanh nghiệp về lợi ích của vốn lưu động.

Cần có một chương trình khuyến khích ESG được trợ cấp từ Chính phủ như chương trình trợ cấp cho lĩnh vực được khuyến khích. Từ đó thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp bắt đầu thực hiện kế hoạch ESG của mình để chuyển sang mức phát thải ròng bằng 0.

"Để chứng minh được cho người tiêu dùng Châu Âu là Việt Nam đang đi đúng hướng thì phía EuroCham cũng đề xuất phối hợp với các cơ quan Nhà nước giúp các DN Việt Nam, các chuỗi giá trị của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp chuẩn bị kịp thời tận dụng cơ hội. Nếu có hành động kịp thời, Việt Nam sẽ chiếm được thị phần lớn hơn trong các lĩnh vực như tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, các sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu nhiều sang châu Âu", ông Gabor nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng các chính sách có tác động liên kết với nhau. Chẳng hạn, cần làm rõ kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII với các mốc thời gian cụ thể vì điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm