Chính sách

Nghề nuôi biển còn quá ít doanh nghiệp tham gia

DNVN - Đánh giá về thách thức của ngành nuôi biển, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), cho rằng: Thiếu chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, ngành nuôi biển mới chỉ ven bờ và quá ít doanh nghiệp tham gia.

Phát triển nuôi biển tạo sinh kế mới cho ngư dân / Ngành chăn nuôi biển cần phải đưa khoa học công nghệ vào để giải quyết thách thức

Công cụ quản lý Nhà nước yếu và thiếu

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, dự thảo “Chiến lược Phát triển công nghiệp Nuôi biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045” nhấn mạnh mục tiêu phát triển nuôi biển công nghiệp và bền vững, với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại.

Phát triển nuôi biển cả trên biển, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí chế tạo, du lịch, tự động hóa với nuôi biển. Các hoạt động nuôi phải hòa hợp với môi trường và hệ sinh thái.

Đồng thời, hướng tới mục tiêu hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở R-D (hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp). Coi hợp tác quốc tế là phương thức chính thu hút công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và thị trường. Đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân cần chuyên nghiệp, được đào tạo, trang bị tốt và quản lý tốt.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch VSA

Đáng chú ý, trong các chủ thể nuôi biển, biến ngư dân thành doanh nhân (lựa chọn các HTX và hộ gia đình nuôi biển để hỗ trợ xây dựng các trại nuôi biển công nghiệp) là rất quan trọng.

Cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến hải sản đầu tư xây dựng trại nuôi biển công nghiệp, mở rộng chuỗi giá trị về hướng tạo nguồn nguyên liệu và hậu cần dịch vụ phục vụ nuôi biển công nghiệp.

Chuyển các tổ chức nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ (KHCN) thành các doanh nghiệp KHCN, làm đầu tàu cung cấp sản phẩm công nghệ cao cho toàn chuỗi giá trị nuôi biển công nghiệp.

Tạo thể chế để xây dựng các doanh nghiệp chuyên trách các dịch vụ cung ứng đầu vào (giống, thức ăn, thiết bị nuôi) và dịch vụ đầu ra (thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến, thương mại) cho người nuôi biển.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VSA, nghề nuôi biển Việt Nam đang gặp nhiều thách thức.

 

Đó là sự thiếu kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, thiếu thể chế thích hợp và chính sách khuyến khích nhằm thu hút đầu tư. Công cụ quản lý Nhà nước yếu và thiếu, chưa có cơ chế đồng quản lý hiệu quả. Điều này dẫn tới thực trạng còn có quá ít doanh nghiệp nuôi biển, hầu hết các trại nuôi biển đều là hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, ven bờ, quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh kém là thách thức lớn cho việc nuôi xa bờ. Rủi ro do ô nhiễm môi trường cao, suy giảm nguồn lợi biển ngày càng nghiêm trọng, quản lý môi trường biển lỏng lẻo.

Liên kết giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối… còn rất yếu. Hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào người trung gian nhỏ lẻ.

Giao quyền sử dụng vùng biển cho chủ đầu tư

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, VSA được thành lập vào năm 2016, hiện nay có 189 hội viên, thuộc hai nhóm doanh nghiệp và cơ sở R-D.

 

VSA đã và đang kiến nghị với Nhà nước các chủ trương và giải pháp phát triển nuôi biển, tăng nhanh số doanh nghiệp nuôi biển; tham gia xây dựng “Chiến lược Phát triển công nghiệp Nuôi biển Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2045” trình Thủ tướng. Đồng thời, thỏa thuận hợp tác với nhiều cơ quan, ban, ngành và các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy tiềm năng nuôi biển xa bờ cấp quốc gia.


Cần giao quyền sử dụng vùng biển cho chủ đầu tư và có chính sách tín dụng cho doanh nghiệp, ngư dân nuôi biển

Dựa vào những kinh nghiệm thực tiễn trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng khuyến nghị những giải pháp đồng bộ để phát triển nghề nuôi biển Việt Nam bền vững: “Cần giao quyền sử dụng vùng biển cho chủ đầu tư và có chính sách tín dụng cho doanh nghiệp và ngư dân nuôi biển. Cùng với đó là chính sách giám sát, cảnh báo và quản lý môi trường biển, chính sách đào tạo cho ngư dân nuôi biển và bảo hiểm nuôi biển công nghiệp. Cần sự đầu tư Nhà nước và hỗ trợ cho nuôi biển cũng như đề ra những quy định quản lý Nhà nước về nuôi biển”.

Ông Dũng mong muốn, các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương sớm hoàn thiện các chính sách, tạo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Bởi vì, có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn cùng chung tay để phát triển nghề nuôi biển trở thành nghề có thế mạnh của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Năm 2022, VSA sẽ ưu tiên công tác tiêu chuẩn hóa nghề nuôi biển ở Việt Nam, trước tiên là tiêu chuẩn cơ sở về trại nuôi cá biển; kết nối với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước để đào tạo nhân lực cho nghề nuôi biển.

 

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm