Nghị quyết 68: Những điểm nhấn chưa có tiền lệ về kinh tế tư nhân
'Siết' quản lý xuất xứ hàng hoá / VCCI: 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới
Chuyển dịch mạnh mẽ trong tư duy chính trị
Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân – một văn kiện mang dấu ấn đột phá, được đánh giá là bước ngoặt thể chế quan trọng tiếp nối tinh thần đổi mới năm 1986. Không dừng lại ở việc xác lập các mục tiêu tăng trưởng, Nghị quyết 68 thể hiện một chuyển biến sâu sắc trong tư duy quản trị, khẳng định vai trò trung tâm của khu vực tư nhân và cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường phát triển công bằng, minh bạch.
Nêu quan điểm về nghị quyết này, luật sư Nguyễn Hồng Chung – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Chủ tịch hệ sinh thái DVL Ventures cho biết, nghị quyết lần này có thể coi là một bản “tuyên ngôn cải cách” mới cho kinh tế tư nhân, với những điểm nhấn chưa từng có tiền lệ trong các văn kiện trước đó.
"Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, thay vì chỉ là “một trong những động lực” như cách tiếp cận trước đây. Sự thay đổi trong cách định danh này không đơn thuần là câu chữ mà phản ánh một chuyển dịch mạnh mẽ trong tư duy chính trị. Với việc khu vực tư nhân hiện đóng góp 50% GDP, 30% thu ngân sách và tạo việc làm cho 82% lực lượng lao động, việc xác lập vai trò trung tâm không chỉ là sự công nhận mà còn là lời cam kết thúc đẩy khu vực này phát triển toàn diện, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể", Phó Chủ tịch VIPFA nói.

Quan trọng hơn, theo ông Chung, Nghị quyết 68 thể hiện tinh thần “tự phê bình cấp cao” hiếm thấy khi thẳng thắn chỉ ra những rào cản từ phía thể chế đã và đang kìm hãm khu vực tư nhân. Từ định kiến, cơ chế “xin – cho”, chi phí tuân thủ cao đến bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực – tất cả đều được nêu rõ trong văn kiện như một lời thừa nhận trách nhiệm của bộ máy quản lý.
Đáng chú ý, lần đầu tiên Đảng nêu yêu cầu “xóa bỏ triệt để định kiến”, “xem doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” và “trao quyền sở hữu, quyền cạnh tranh thực chất cho kinh tế tư nhân” – những thông điệp mang tính hiệu triệu rõ ràng tới toàn hệ thống chính quyền và công luận.
Cột mốc cho cuộc cách mạng thể chế mới
Bên cạnh việc khẳng định vai trò của khu vực tư nhân, Nghị quyết 68 còn đánh dấu một bước ngoặt tư duy về nhà nước, chuyển từ “quản lý” sang “kiến tạo và phục vụ”. Đây là quan điểm hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại. Theo đó, Nhà nước cam kết cắt giảm ít nhất 30% thời gian và chi phí tuân thủ pháp luật trong năm 2025, hoàn thiện cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm để khuyến khích sáng tạo, và áp dụng nguyên tắc “kinh doanh mọi thứ mà pháp luật không cấm” thay vì tư duy “không quản được thì cấm”. Những cam kết này mở đường cho một môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, thông thoáng và công bằng.
Nghị quyết cũng đưa ra những mục tiêu rõ ràng, tham vọng và có tầm nhìn dài hạn. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp 55–58% GDP. Tầm nhìn đến năm 2045, sẽ có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% GDP và đạt năng lực cạnh tranh toàn cầu.
"Đây là chiến lược không chỉ về số lượng mà nhấn mạnh chiều sâu chất lượng, khẳng định vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế hội nhập", ông Chung nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư, không dừng lại ở tuyên bố chính trị, Nghị quyết 68 còn đi kèm hệ thống giải pháp thực thi cụ thể và mạnh mẽ. Từ hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp chính danh; đến phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và liên kết với khu vực kinh tế nhà nước và FDI.
Đồng thời, nghị quyết yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra, và cải cách pháp luật theo hướng ưu tiên giải quyết kinh tế thay vì hình sự hóa các quan hệ dân sự không cần thiết.
Theo Phó Chủ tịch VIPFA, nếu như đổi mới năm 1986 là cuộc cách mạng tư duy kinh tế vĩ mô, thì Nghị quyết 68 chính là một cuộc cách mạng thể chế từ nội tại bộ máy – nơi nhà nước tự nhận trách nhiệm, tự cam kết thay đổi, thiết lập một quan hệ mới với doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
"Nghị quyết 68 vì thế không chỉ là một chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Nó là cột mốc lịch sử, đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển tự chủ và bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu", ông Chung nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo chuyên gia, để tinh thần cải cách này được hiện thực hóa, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp chính quyền – từ Trung ương đến địa phương – và sự chủ động đổi mới từ chính cộng đồng doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo