Chính sách

VCCI: 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới

DNVN - Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò dẫn đầu / Gỡ khó cho doanh nghiệp dược

Phát biểu tại diễn đàn "Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ngày 17/4, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, kinh tế Việt Nam quý I/2025 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, khó lường, căng thẳng địa chính trị. Sự bất ổn trong chính sách kinh tế, đặc biệt chính sách thương mại quốc tế gây áp lực tới chi tiêu dùng, đầu tư, sự bấp bênh trong tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, các vấn đề nội tại của doanh nghiệp như thay đối cơ cấu lao động, thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao, yêu cầu về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đòi hỏi phải thích ứng nhanh chóng. Trong nước, nhìn từ số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 đạt 6,93% là mức tăng trưởng rất tích cực. Con số này đạt được đã thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trước những biến động nhanh, bất thường của khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu tham dự diễn đàn "Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh".

Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

“Tuy vậy, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn”, ông Phòng nói.

Cũng theo ông Phòng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Do đó, để bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế, úc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những chìa khóa then chốt. Không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm