Chính sách

Nhiều đơn vị sự nghiệp công, việc phân bổ ngân sách chưa gắn với chất lượng sản phẩm, dịch vụ

DNVN - Chia sẻ tại Hội thảo “Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, sáng 2/11, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, phân bổ ngân sách cho hệ thống dịch vụ công chưa gắn với chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Việt Nam có Chuyên gia năng suất quốc tế dịch vụ công / Ngân hàng thương mại chịu áp lực lớn trước phát triển tăng tốc của hàng loạt dịch vụ công nghệ

Báo cáo đề dẫn hội thảo “Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương biên soạn khẳng định: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19-CT/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập), hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội, hướng tới mục tiêu ổn định và công bằng xã hội; đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.

Nguồn thu sự nghiệp đã tăng lên, thực hiện tiết kiệm chi phí để tăng thu nhập cho người lao động.

Hội thảo về đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công nhấn mạnh yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Kết quả Tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê năm 2021 cho thấy, đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo có đóng góp giá trị tăng thêm lớn nhất trong tổng giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt khoảng 255 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,5% trong tổng giá trị tăng thêm của hoạt động sự nghiệp công lập.

Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có giá trị tăng thêm đạt xấp xỉ 155 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,5% so với tổng giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp công lập và xếp thứ 2 trong đóng góp về giá trị tăng thêm.

Giá trị tăng thêm hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,2% so với tổng giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp. Giá trị tăng thêm ngành thông tin và truyền thông đạt xấp xỉ 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,7% so với tổng giá trị tăng thêm của các đơn vị sự nghiệp.

Năm 2020, các ngành dịch vụ đóng góp khoảng gần 40% GDP, trong đó dịch vụ sự nghiệp công có đóng góp 5,92% GDP.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến cuối năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10%; biên chế sự nghiệp giảm 11, 7%.

Theo Bộ Tài chính, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017 - 2021 đã giảm chi ngân sách Nhà nước được 25 nghìn tỷ đồng. Cả hệ thống chính trị đến hết năm 2021 đã giảm 262 nghìn biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015. Lần đầu tiên bộ máy không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản.

Cũng theo kết quả Tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2021, cả nước có 52,5 nghìn đơn vị sự nghiệp, giảm 28,6% so với năm 2016; lao động sự nghiệp là 2,4 triệu người.

Mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, đến tận khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo trong cả nước. Hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò nòng cốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng cho mọi người dân, với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý hơn.

Tuy nhiên, PGS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, quá trình triển khai đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Cụ thể, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập chưa gắn liền với đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ về tài chính, nguồn thu từ dịch vụ sự nghiệp ít và tăng trưởng chậm, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước.

Quá trình triển khai đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công còn nhiều vướng mắc.

Còn nhiều đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp mà Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ. Chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp. Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, đội ngũ viên chức làm công tác phục vụ chiếm tỷ lệ cao. Việc thu hút nhân tài vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn.

Cùng với đó, việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn. Công tác quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng, miền và nhu cầu thực tế.

“Vẫn tồn tại nhiều đơn vị sự nghiệp công lập trong cùng một bộ, ngành, lĩnh vực, trên cùng địa bàn có những nhiệm vụ còn chồng chéo gây lãng phí trong sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực và kinh phí”, ông Lợi cho biết.

Cũng theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, công tác phân bổ kinh phí từ ngân sách Nhà nước vẫn chủ yếu theo yếu tố đầu vào và theo biên chế, chưa gắn với đầu ra về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế, tiến độ còn chậm, kết quả đạt được thấp và còn thiếu vững chắc.

Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chưa thể thích nghi ngay với cơ chế tự chủ, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, còn mang tâm thế ỷ lại, kéo dài việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới hoạt động.

Nhiều đơn vị chưa xây dựng được tiêu chuẩn dịch vụ và các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công lập để kiểm định chất lượng cung ứng dịch vụ. Công tác quản trị nội bộ còn yếu kém, hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thành lập hội đồng quản lý để thực hiện vai trò quản trị đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa cao, chưa tách bạch rõ giữa chức năng quản lý Nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ công của đơn vị.

Chủ trương đổi mới hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Để chủ trương này phát huy hiệu quả đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao không chỉ từ phía các cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong đổi mới các đơn vị sự nghiệp công nhằm sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực của tổ chức bao gồm: nguồn nhân lực, tài chính, vật chất và thông tin, trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành bại của tổ chức. Đổi mới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công luôn được coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhất là trong quá trình đổi mới hiện nay”, ông Lợi nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm