Dịch vụ công trực tuyến hữu ích, đơn giản sẽ "hút" người dùng
DNVN - Để người dân và doanh nghiệp dùng dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ cao nhất, phải luôn đặt trong tâm vào việc tạo điều kiện và mang lại lợi ích tốt nhất cho hai chủ thể này.
Kênh truyền thống "lỗi thời", các tổ chức giáo dục chuyển đổi số để tuyển sinh / Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chuyển đổi số để tăng hiệu quả phục vụ công chúng
Dịch vụ phải hữu ích
Bộ GTVT và Bộ Công an là 2 bộ có tỷ lệ người dùng dịch vụ công trực tuyến cao nhất. Thống kê cho thấy, dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an được người dân sử dụng đến 98%. Trong khi đó, với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có dịch vụ đạt tỷ lệ giải quyết trực tuyến lên tới 100%.
Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực vận tải đường bộ của Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) và Ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip cho hoạt động ngân hàng của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) đã được vinh danh tại hạng mục "Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc" tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2022 (VDA 2022) chiều 9/10 tại Hà Nội.
Sáng cùng ngày, tại hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp", chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng và triển khai dịch vụ công trực tuyến để thu hút sự tham gia nhiều của người dân, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết: Việt Nam đã tiến hành trực tuyến hóa dịch vụ công từ lâu. Theo đó, đã có khoảng 6.800 dịch vu công được đưa lên trực tuyến.
"Song chúng ta cần phải xác định rõ, dịch vụ công nào là thực sự thiết yếu, để mang lại lợi ích cho người dân. Dịch vụ công trực tuyến muốn hiệu quả trước hết dịch vụ ấy phải hữu ích và nhất định nó phải được tổ chức sao cho thân thiện, thuận tiên, đơn giản nhất cho người dân trong sử dụng", ông Vũ Văn Tấn cho biết.
Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an).
Các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an triển khai thời gian đã đem lại lợi ích kinh tế rất to lớn. Cụ thể, đã tiết kiệm tối thiểu 50 tỷ đồng tiền chụp ảnh cho học sinh trên cả nước khi đăng ký thi trực tuyến. Tiết kiệm gần 5.400 tỷ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho thẻ ATM trên cả nước...
Trong khi đó, theo ông Phùng Văn Trọng - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) nhận định, muốn dịch vụ công trực tuyến thành công phải luôn đặt trong tâm vào việc tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Thực tế, Bộ GTVT đã xác định ưu tiên phát triển cả 3 nhóm lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, đó là đường bộ, hàng hải và đăng kiểm phương tiện.
"Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi rà soát để cắt giảm bớt các quy trình, giảm bớt sự phức tạp cho người dân và doanh nghiệp khi nộp hồ sơ, tham gia dịch vụ. Điều này giảm bớt được sự phiền toái, hay các thủ tục rườm rà cho người dân và doanh nghiệp", ông Phùng Văn Trọng chia sẻ.
Kết nối dữ liệu là cốt lõi
Liên quan đến chuyển đổi số trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, ông Phùng Văn Trọng cho rằng, không phải chỉ một đơn vị duy nhất có thể làm được mà cần có sự liên thông với các hệ thống thông tin của các đơn vị khác.
Những đối tượng mà Bộ GTVT hướng tới đều có sự đồng lòng khi tham gia vào hệ thống. Hệ thống cũng trực tiếp xử lý các vấn đề hàng ngày của người dân và doanh nghiệp, nên có tỷ lệ sử dụng cao, thậm chí có dịch vụ của bộ đạt tỷ lệ giải quyết trực tuyến lên tới 100%. Chỉ khi hệ thống nhắm vào các lĩnh vực liên quan nhiều tới hoạt động của người dân, doanh nghiệp thì mới có thể thành công.
Ngoài ra, các hệ thống cần phải được triển khai một cách đồng bộ, từ cơ quan xử lý các vấn đề hành chính cho tới người sử dụng. Các yếu tố như công nghệ, con người, trang thiết bị… đều cần phải được đồng bộ hóa.
Ông Phùng Văn Trọng - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT).
Bộ GTVT cũng đang tích hợp 3 hệ thống và sắp tới sẽ tiếp tục tích hợp nhiều hơn nữa các hệ thống thông tin khác để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, cần tăng cường công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đồng bộ dữ liệu để làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời phân tích dữ liệu phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên các lĩnh vực.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Tiến cho rằng, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau là vấn đề mấu chốt. Việc xây dựng và kết nối dữ liệu là cốt lõi để xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, pháp lý, quy trình, thủ tục phải liên thông với nhau. Về kỹ thuật, dữ liệu cũng phải liên thông với nhau. Để liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu đã có rất nhiều văn bản. Mô hình kết nối dữ liệu cần có quy trình, thủ tục, hạ tầng, và đặc biệt là những mô hình kết nối chia sẻ tuỳ theo các cơ sở dữ liệu khác nhau.
"Điều quan trọng là kết nối chia sẻ dữ liệu. Quá trình chuyển đổi số cần có tài nguyên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, tức là các cơ quan nhà nước sẽ cung cấp dữ liệu mở. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đề xuất ban hành danh mục dữ liệu mở để các cơ quan ban ngành, địa phương dựa vào đó để xây dựng kế hoạch cung cấp dữ liệu mở của mình. Các cơ quan nhà nước cố gắng cung cấp dữ liệu mở cho xã hội để dựa trên đó tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới sáng tạo", Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia nêu.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo