Chính sách

Phát huy năng lực sáng tạo địa phương để phát triển mô hình kinh tế

DNVN - Phân tích các yếu tố mang tính thực tiễn quốc tế về phát triển kinh tế nhanh, bền vững ở cấp địa phương, chuyên gia An Hưng- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị: "Cần coi trọng phát huy năng lực sáng tạo địa phương để phát triển mô hình kinh tế tại Việt Nam".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến” / Đà Nẵng: Chính sách ban hành đã 2-3 năm nhưng chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận và được hỗ trợ!

Nhìn từ mô hình các nước

Theo chuyên gia An Hưng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững cấp địa phương là cách thức khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương, thu hút nguồn lực ngoài địa phương, gia tăng mức độ đóng góp của kinh tế địa phương vào kinh tế quốc gia, thúc đẩy sáng tạo và tối đa hoá giá trị.

Trên thế giới, Thượng Hải (Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan) và mô hình “mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản được xem là tiêu biểu cho việc phát triển kinh tế nhanh, bền vững cấp địa phương.

Cụ thể, Thượng Hải đã xây dựng một mô hình kinh tế đặc thù địa phương, kết hợp được đặc sắc Trung Quốc, tổng hoà giá trị văn hoá phương Tây và văn hoá Á Đông tạo nên những kết quả phát triển chưa từng có.

Những yếu tố cấu thành của mô hình phát triển kinh tế địa phương với đặc trưng nhanh, bền vững của Thương Hải có thể tổng kết lại gồm quyết tâm chính trị rất cao trong xoá nghèo đói, thay đổi vận mệnh đất nước.

Hệ thống quản lý tập trung được phân cấp cho các địa phương và chính quyền đô thị Thượng Hải đã chọn mô hình khu thương mại mở cửa kết hợp với cảng tự do được đầu tư nâng cấp theo chuẩn quốc tế và nâng cấp liên tục từ trong nước, quốc tế cả đường bộ, đường biển và hàng không.

Đồng thời, khai thác nguồn lực từ bên ngoài thông qua xây dựng môi trường thu hút đầu tư tốt nhất đối với các tập đoàn đa quốc gia cả sản xuất, thương mại, tài chính và công nghệ cao.

Thái Lan là nước có kinh nghiệm hàng chục năm phát triển dịch vụ du lịch hội nghị, hội thảo với đủ các loại quy mô và tầm quan trọng. Nhiều sự kiện quan trọng được các quốc gia lựa chọn Thái Lan để tổ chức thực hiện.

Trong đó, Băng Cốc là nơi tổ chức nhiều dịch vụ du lịch hội nghị, hội thảo quốc tế với những yêu cầu khắt khe. Chính quyền đô thị Băng Cốc đã có chiến lược đẩy mạnh dịch vụ này và nâng cấp thành sản phẩm dịch vụ mũi nhọn.

Sức sáng tạo trong các nhà quản lý và kinh doanh đã được Băng Cốc khai thác để hình thành cơ cấu kinh tế mới đủ khả năng sáng tạo giá trị tương xứng với tiềm năng. Vì tổ chức dịch vụ du lịch cao cấp nên giá dịch vụ có thể cao, việc tăng khối lượng hàng hoá cung ứng có thể thúc đẩy sản xuất hàng hoá từ các cơ sở trong nước hoặc thúc đẩy nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài.

Phát triển nhanh, bền vững địa phương theo mô hình “mỗi làng một sản phẩm” (OVOP- One Village One Product) hoặc mỗi xã một sản phẩm (OCOP-One Commune One Product) của Nhật Bản có thể xem là mô hình có tính lan tỏa rộng lớn. Mô hình này đã lan rộng đến 143 quốc gia, trong đó có cả Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc.


Mô hình“mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản có sức lan tỏa rộng trên thế giới

Mô hình này góp phần giảm thiểu di chuyển lao động từ nông thôn đến thành thị, tạo việc làm, khai thác nguồn lực, giữ gìn và bản vệ, phát triển đặc sản địa phương và sáng tạo giá trị.

Chính sách quốc gia

Liên hệ với Việt Nam, chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, chúng ta vẫn phát triển kinh tế theo mô hình tập trung. Tất cả các chính sách phát triển kinh tế đều tập trung vào các cơ quan quốc gia, các địa phương được phân cấp ban hành chính sách thiếu tầm nhìn hợp lý, chú ý nhiều đến lợi ích địa phương nhưng nguồn lực không khai thác triệt để.

Các mô hình phát triển kinh tế địa phương dễ dẫn đến vượt khuôn khổ quy định quốc gia. Điều này khó tạo ra được mô hình sáng tạo để nguồn lực được khai thác và sử dụng hiệu quả nhất.

Những năm gần đây, Việt Nam xuất hiện xu hướng tạo cơ chế đặc thù như sáng kiến thành lập 3 đặc khu kinh tế gồm đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong. Tiếp đến, các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên- Huế… đã đề xuất cơ chế đặc thù.

Đây là bằng chứng cho thấy nhu cầu phát triển kinh tế nhanh, bền vững cấp địa phương tăng lên rất lớn.

Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược mang tính tổng thể để giải phóng các nguồn lực, trong đó hoàn thiện thể chế phát triển sẽ được ưu tiên hàng đầu. đó là quá trình kiến tạo phiên bản thể chế ở phạm vi rộng hơn và sâu sắc hơn.


Nhu cầu phát triển kinh tế nhanh, bền vững cấp địa phương ở Việt Nam đang tăng lên rất lớn.

Để phát triển kinh tế nhanh, bền vững cấp địa phương trong các đột phá chiến lược, các địa phương Việt Nam bên cạnh mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” nên mạnh dạn áp dụng “Mỗi xã một dịch vụ”. Ví dụ như dịch vụ du lịch tại nhà, dịch vụ trải nghiệm một ngày làm nông dân hoặc dịch vụ làm thử các sản phẩm đặc sản Việt Nam theo vùng miền…

Khuôn khổ chính sách quốc gia cần được điều chỉnh theo hướng mở rộng và có tính đón đầu. Cần thực hiện một đợt tổng kết các cơ chế đặc thù để đưa ra các kịch bản chính sách áp dụng đối với từng nhóm địa phương có khả năng có tính đặc thù tương đồng.

Với các mô hình kinh tế địa phương, cần cố gắng tiếp cận các mô hình hiện đại như mô hình trung tâm ngoại vi kinh tế mang tính chất dẫn dắt, định hướng một loạt địa phương trong vùng.

“Cần xây dựng mô hình trung tâm trong phát triển, và mô hình ngoại vi, vệ tinh để hỗ trợ mô hình trung tâm. Khuôn khổ chính sách địa phương cần được xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn sâu sắc, tránh xu hướng chạy theo trào lưu đơn thuần. Coi trọng phát huy năng lực sáng tạo địa phương trong xây dựng và phát triển mô hình kinh tế theo xu hướng vận động của giao dịch kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 và cạnh tranh quốc tế”, chuyên gia An Hưng nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm