Chính sách

Nguy cơ thiếu điện: Cần giải pháp cấp bách và chính sách hài hòa

DNVN - Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện, đồng thời đưa ra các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp điện. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục đảm bảo chính sách hài hòa và tăng cường hiệu quả năng lượng.

Chuyên gia đề xuất hướng kiểm soát du lịch an toàn giữa "vòng vây" COVID-19 / Thủ tục cấp giấy phép môi trường cần tránh phức tạp, gây khó cho doanh nghiệp

5 giải pháp đảm bảo cung cấp điện
Trong báo cáo do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xác định 3 nguyên tắc chính đối với việc đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo, bao gồm: Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện; bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo để chỉ đạo, điều hành. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu xã hội.
Căn cứ trên đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương và EVN đã đưa ra 5 giải pháp chính nhằm đảm bảo cung cấp điện.

Bộ Công Thương đã đưa ra 5 giải pháp cấp bách trước nguy cơ thiếu điện.
Đó là thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.
Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3164 MW, bao gồm 1930 MW nhiệt điện, 1244 MW thủy điện, trong đó 1132 MW thủy điện nhỏ. Bộ Công Thương cũng đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tập trung toàn lực, thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1200 MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2022.
Tiếp đến là rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành để bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ giao đơn vị chuyên môn rà soát các công trình nguồn và lưới điện đã có trong quy hoạch, kế hoạch, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện. Đồng thời chỉ đạo EVN nghiên cứu thêm các giải pháp nhằm vận hành an toàn hệ thống điện, nhất là trong điều kiện tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo ở mức cao. Trước mắt sẽ rà soát trước các công trình thuộc khu vực miền Bắc để chống thiếu nguồn.
Ngoài ra, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức rà soát, chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ tất cả các công trình lưới điện đảm bảo việc giải tỏa công suất các nguồn điện đã xây dựng, trong đó có các nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Mục tiêu yêu cầu không để các nguồn điện đã xây dựng bị hạn chế công suất do quá tải. Trong khi chờ Luật Điện lực sửa đổi quy định về độc quyền truyền tải, cần tăng cường thu hút đầu tư của các chủ đầu tư nhà máy điện vào các công trình đấu nối.
Thêm vào đó, chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các Hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.
Cuối cùng, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn vận hành, bao gồm việc chỉ đạo các chủ đầu tư các nhà máy điện đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định. Chỉ đạo EVN vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam và hệ thống truyền tải điện; chỉ đạo EVN và các đơn vị thành viên làm việc với các khách hàng có nguồn điện dự phòng chuẩn bị sẵn sàng vận hành để bổ sung nguồn cung cấp điện trong trường hợp bất lợi không nhận được điện từ hệ thống. Đồng thời xây dựng và đề xuất cơ chế cho chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response), bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc…
Bộ Công Thương nhấn mạnh, trên cơ sở các nguyên tắc và giải pháp nêu trên Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo ngành điện thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, phấn đấu cung cấp đủ điện trong bất cứ tình huống nào.
Đảm bảo chính sách hài hòa
Tuy nhiên, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Công Thương cho rằng, ngoài sự nỗ lực cố gắng của Bộ Công Thương, EVN rất cần có sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, Ngành trung ương và các địa phương. Trong đó việc Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) là giải pháp quan trọng góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước, hậu COVID-19.
Liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần dự án 4E - EVEF, Chương trình Năng lượng GIZ cho rằng, Việt Nam phải tăng cường hiệu quả năng lượng, làm sao để năng lượng hiện đang sử dụng hiệu quả hơn nữa.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, hiệu quả năng lượng là mảng Việt Nam dường như đang bỏ quên dù có tiềm năng rất lớn trong khi có rất nhiều giải pháp công nghệ có thể hỗ trợ phát triển hiệu quả năng lượng.
Với năng lượng tái tạo - nguồn dễ huy động khi các nhà đầu tư đã "sẵn nong sẵn né", theo bà Chi Mai, phải làm thế nào để vẫn tiếp tục đảm bảo chính sách hài hòa. Đầu năm 2020, đứng trước thực tế có khả năng sẽ thiếu điện vì tìm kiếm cơ hội đầu tư vào than gặp rất nhiều thách thức, Chính phủ đã yêu cầu EVN, Bộ Công Thương cần đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, vì điện mặt trời phát triển nhanh và do là công nghệ mới cho nên điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam chưa được xây dựng đầy đủ nên đã dẫn đến một số hệ lụy không chỉ cho nhà đầu tư khi bị cắt giảm công suất mà cho cả EVN - đơn vị vận hành và cũng khiến Bộ Công Thương đau đầu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần hiểu rằng, với tốc độ phát triển nhanh như vậy, chắc chắn sẽ có những bước điều chỉnh và Chính phủ cần có thời gian để điều chỉnh.
Dịch bệnh COVID-19 khiến tiêu thụ năng lượng giảm đi rất nhiều. Do đó, rất tiếc các nhà đầu tư phát triển dự án đã bị cắt giảm công suất trong thời gian vừa rồi. COVID-19 đã gây ra đứt gãy chuỗi sản xuất và giá trị, hệ lụy, khả năng lạm phát kéo dài tại nhiều nước, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế. Việt Nam vẫn khá lạc quan khi cho rằng đến hết năm 2022 nền kinh tế trở lại, khi đó nhu cầu về năng lượng sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, nhìn trên góc độ thế giới, giá dầu tăng đột biến làm cho các bên rất đau đầu. Một mặt làm cho nền kinh tế bị đe dọa, cần nguồn năng lượng để đảm bảo.
"Tuy nhiên, nguồn năng lượng ấy do mình phụ thuộc vào bên khác nên phải chấp nhận với mức giá rất khó. COVID-19 giúp chúng ta nhận ra rằng làm thế nào để có thể chủ động nguồn năng lượng để trong mọi hoàn cảnh mình đứng bằng hai chân của mình được", bà Chi Mai chia sẻ.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm