Chính sách

Phát triển năng lượng gắn với thu hút đầu tư nước ngoài: Tài sản lớn nhất là làm chính sách

DNVN - "Chúng ta có tín hiệu chính sách tốt rồi, nhà đầu tư ào ào vào rồi, nhưng sau đó "phanh" lại thì khi đó niềm tin của nhà đầu tư sẽ ở đâu trong câu chuyện huy động vốn để phát triển năng lượng? Trong khi công trình cơ sở hạ tầng không thể nào làm trong phút mốt được, bởi cần 1 - 2 năm để thu xếp vốn...".

Xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh cần chứng thư vệ sinh mới / Từ 1/7/2022, dán tem điện tử cho thuốc lá và rượu

Đây chỉ một trong nhiều trăn trở được các chuyên gia chỉ ra tại Diễn đàn Phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức hôm 20/4/2021 tại Hà Nội.
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, thế giới đang hướng tới “chuyển dịch năng lượng bền vững và công bằng”. Việc chuyển dịch năng lượng toàn cầu tạo cơ hội cho đổi mới sáng tạo và tham gia của người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Theo đó, tạo thị trường cho sự tham gia của các tập đoàn tư nhân trong nước và hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ vào sản xuất điện. Năng lượng mặt trời có thể được khai thác mà không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và không nhất thiết phải thu hồi đất. Tăng hiệu suất sử dụng đất, có thể lên đến 60%. Thêm nguồn thu nhập cho người nông dân. Là mô hình mang lại lợi ích cho nhiều bên.

Quang cảnh diễn đàn.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh ngành năng lượng giai đoạn 2012 - 2020 của nước ta bao gồm nguồn tài chính hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi thuế, đất đai đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ thân thiện với môi trường. Nguồn tài chính doanh nghiệp phục vụ cho mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các khoản viện trợ phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Nguồn vốn tín dụng được cung cấp thông qua hai hình thức: nguồn vốn tín dụng nhà nước từ các chương trình hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và nguồn vốn tín dụng từ nghiệp vụ kinh doanh của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Việt Nam còn vận động nguồn lực tài chính khí hậu quốc tế - Quỹ GCF.
Khi nguồn vay ODA bị hạn chế
Đề cập đến những khó khăn và thách thức trong việc vận động đầu tư vào năng lượng, TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh phân tích ở hai khía cạnh. Một là về hiệu quả năng lượng: các công ty và nhà đầu tư nhận thức chưa đúng đắn về lợi ích đầu tư công nghệ và thiết bị tiết kiệm năng lượng trong dài hạn. Khả năng tài chính của các DNNVV còn hạn chế. Trong khi đó, các ngân hàng chú ý đến các sản phẩm cho vay thông thường, cho vay thương mại hơn là cho vay hiệu quả năng lượng; các vấn đề kỹ thuật để xác định các dự án hiệu quả năng lượng; tiêu chí của các dự án xanh, đáp ứng các nguồn vốn vay quốc tế. Năng lực của các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), cụ thể là chất lượng tư vấn, thiếu số lượng và chưa sẵn sàng, tiềm lực về vốn để đầu tư vào EE...
Hai là về năng lượng tái tạo, theo đánh giá của vị nữ tiến sĩ này, suất đầu tư vẫn cao, hệ số công suất thấp (từ 20% -30%) dẫn đến chi phí sản xuất điện cao. Theo đó, điện gió khoảng 2,0 triệu USD/MW, điện mặt trời khoảng 1,1 đến 1,3 triệu USD/MW tương đương với chi phí đầu tư thủy điện, nhưng hệ số công suất thủy điện có thể đạt 40% -45%). Trong khi đó, giá bán điện chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Giai đoạn 2010-2015, điện gió là 7,8 US cent / kWh, sinh khối là 5,8 US cent / kWh, thủy điện khoảng 5,0 Uscent/kWh. Tuy nhiên, gần đây nhất vào tháng 4 năm 2017, Chính phủ đã ban hành mức giá cho điện mặt trời là 9,35 UScent / kWh. Ngoài ra, rủi ro kỹ thuật do đầu tư vào lĩnh vực mới, hiệu quả đầu tư chưa rõ ràng. Thêm vào đó là khả năng tiếp cận và vay vốn ưu đãi hạn chế.
Thảo luận sâu về vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào năng lượng, TS. Đinh Thế Phúc - Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào dầu khí còn dễ dàng hơn, nhưng với điện và than năm vừa rồi khá là khó khăn. Vì đến nay, Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước đang phát triển nên việc vay ODA bị hạn chế.
"Trước đây, nhiều nhà máy điện được sử dụng vốn ODA. Khi cắt giảm ODA, một số nhà máy điện đang chuẩn bị khởi công gặp khó khăn. Thực tế khi bị cắt giảm nguồn vốn này, trong 3,4 năm vừa rồi có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về vốn, do đó trong 3,4 năm vừa qua không có dự án nhà máy điện lớn nào được khởi công. Cho đến cuối năm vừa qua, chúng ta mới rậm rịch khởi công được ở Hòa Bình, hay ở Quảng Trạch bắt đầu khởi công; và sắp tới là một số nhà máy nữa như Yaly, Nhơn Trạch 3, 4", TS. Đinh Thế Phúc cho biết.
Trong khi đó, trần nợ công cao nên ảnh hưởng đến việc bảo lãnh Chính phủ, các DN phải tự vay tự trả. Trong mấy năm vừa rồi, các DN phải bươn chải, tìm nguồn vốn và như EVN phải tích cực cải cách với báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế và minh bạch. Đến bây giờ EVN mới bắt đầu có thể ký được hợp đồng vay với một số tổ chức tín dụng quốc tế.
Trong bối cảnh đó, các DN cũng đã biết tự xoay sở nhưng hiện tại khó khăn hơn so với trước đây do không có nguồn vốn ODA, không có bảo lãnh Chính phủ.
"Theo đó, chúng ta cần điều chỉnh trong việc xây dựng luật để phù hợp với tình hình hiện tại. Ngoài ra, một số chính sách nữa cũng có thể thu hút được, điển hình là chính sách giá năng lượng tái tạo mặt trời chẳng hạn. Tuy nhiên, chính sách đưa ra nhiều nhưng cũng phải nhìn lại tại sao, quyết định 11 có mức giá khác so với quyết định 13 và hiện nay sắp có quy định chặt chẽ về năng lượng mặt trời để phù hợp với thực tế. Nếu chúng ta thu hút nhanh quá thì cũng là một dấu hỏi", TS. Đinh Thế Phúc nói.
Tài sản lớn nhất là chính sách
Ở một góc nhìn khác, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhìn nhận, trong thời gian vừa qua, sự khó khăn về vốn đối với nguồn điện than làm tiến độ của các dự án điện than đã được quy hoạch chỉ đạt 57%. Trong khi quy hoạch không đưa ra định hướng cho điện mặt trời nhưng nó lại tăng tốc và phát triển vượt dự kiến.

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phát biểu tại diễn đàn.
"Rõ ràng tín hiệu thị trường rất khác. Thay đổi diễn ra quá nhanh và phần phân tích dự báo của chúng ta không kịp cập nhật. Quy trình chính sách của chúng ta không giống với những gì diễn ra trên thị trường. Do đó về vấn đề hài hòa lợi ích cần có cơ chế nào để phản hồi nhanh hoặc có chính sách linh hoạt. Chúng ta có tín hiệu chính sách tốt rồi, nhà đầu tư ào ào vào rồi, nhưng sau đó lại "phanh" lại thì khi đó niềm tin của nhà đầu tư sẽ ở đâu trong câu chuyện huy động vốn. Trong khi công trình cơ sở hạ tầng không thể nào làm trong phút mốt được, bởi cần 1, 2 năm để thu xếp vốn", bà Ngụy Thị Khanh đánh giá.
Trong câu chuyện chuyển dịch năng lượng, bà Khanh cho biết, Việt Nam không làm chủ được về vốn và công nghệ.
"Vậy chúng ta có gì trong tay? Cái chúng ta có chính là công cụ chính sách. Nếu chúng ta làm tốt được cơ chế chính sách chúng ta sẽ điều chỉnh được, sẽ đưa những cơ hội từ quá trình chuyển dịch mang lại tốt nhất cho Việt Nam. Ngược lại, nếu không làm tốt cơ chế chính sách thì lợi thế, cơ hội dù nhiều thì cũng đối mặt với nhiều trở ngại ở phía trước. Đây là thời điểm của hành động, chứ không phải là lúc thiết kế chính sách nữa. Và để hành động thì cần thông tin phân tích cập nhật và sự thay đổi rất lớn trong tư tưởng. Thay đổi về tư duy rất quan trọng. Điều rất đáng mừng trong 3 năm trở lại đây tư duy về năng lượng đã thay đổi tích cực", bà Khan chia sẻ.
Theo Giám đốc điều hành GreenID, chúng ta phải huy động vốn từ bên ngoài do không đủ nội lực. Công nghệ chúng ta cũng không tự sản xuất được ra, chúng ta chỉ có tài sản lớn nhất là làm chính sách. Do đó, Nhà nước cần đưa ra các công cụ chính sách phù hợp để thu hút dòng vốn vào, làm sao gỡ bỏ điểm nghẽn, tạo sân chơi bình đẳng, đặc biệt hỗ trợ cho khối tư nhân trong nước. Sự đồng bộ chính sách là cần thiết để tiếp sức cho các nhà đầu tư, đồng thời mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm