Chính sách

Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá"

DNVN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bảo đảm cung ứng điện cho cao điểm mùa khô 2024 / Hoàn thiện khung chính sách để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo

Ngày 5/5, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 199 truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn diễn ra mới đây.

Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về đào tạo nguồn nhân lực.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 đã yêu cầu tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030.

Tại Thông báo 199, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phải tập trung vào 5 trụ cột, gồm: phát triển hạ tầng; xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.


Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động, tích cực, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể phát triển ngành nhân lực bán dẫn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cần xác định rõ quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.

Theo đó, cần coi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đa dạng hóa các loại hình đào tạo như: đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo kỹ sư, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong nước và ngoài nước, đào tạo thông qua sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước - xã hội - thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư trong đào tạo.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh cần hoàn thiện thể chế cho công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.

Tập trung đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất… Đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp.

Xây dựng phương thức đào tạo cả tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, hợp tác công tư.

Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu các bộ ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể phát triển ngành nhân lực bán dẫn.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào việc hình thành thị trường lao động cho ngành bán dẫn. Tích cực tham gia vào quá trình đào tạo của các cơ sở đào tạo. Phối hợp với các cơ sở đào tạo để đặt hàng, thu hút nguồn nhân lực. Đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng nhà nước trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm