Chính sách

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam còn nhiều thách thức

DNVN - Phát biểu tại diễn đàn “Lộ trình hướng tới nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp tổ chức sáng 22/4, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam còn nhiều thách thức.

Thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam: Hữu ích để tái cơ cấu / Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Chưa làm chủ nhiều công nghệ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NNPTNT, kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn đang được xác định là có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

Qua đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng được tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí và thất thoát sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm an toàn và chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo về được hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường phát biểu tại diễn đàn.
(Ảnh: Hà Anh).

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một trong những nội dung được quan tâm nhất của Bộ NNPTNT trong quá trình thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và tận dụng phẩm nông nghiệp như là một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tầng thu nhập của nông dân.

Tại Việt Nam đã có nhiều mô hình sàn xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín ở quy mô cấp độ khác nhau được triển khai ở nhiều địa phương, doanh nghiệp, kể cả quy mô trang trại, nông hộ của bà con nông dân. Nhiều phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sàn xuất đã được tái chế, sử dụng mang lại giá trị gia tăng thêm cho bà con nông dân, tạo thêm công ăn việc làm mới và tăng thu nhập.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam còn nhiều thách thức.

“Nông nghiệp tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình trong bối cảnh chúng ta chưa làm chủ nhiều công nghệ và quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Chưa có hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn”, bà Thủy nói.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đến phát thải bằng 0, đòi hỏi một sự phối hợp chia sẻ thực sự gắn với lợi ích kinh tế, do vậy việc sử dụng động lực kinh tế, cơ chế thị trường để gắn kết các bên liên quan nhằm thực hiện nông nghiệp tuần hoàn là thách thức lớn.

Ngày 28/1/2022, TTg CP đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giám phát thải khí nhà kính.

Để đưa chiến lược vào thực tiễn cuộc sống, ngành nông nghiệp đang hết sức nỗ lực cố gắng triển khai các giải pháp, hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cho đến tổ chức lại sản xuất theo chu trình khép kín, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tái sử dựng tối đa nguồn phụ phẩm nông nghiệp, mang lại giá trị gia tăng cho người nông dân, giảm chi phí vật tư đầu vào, tăng thu nhập cho người nông dân, đặc biệt quy mô nông hộ, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trở thành nên nông nghiệp xanh, bền vững, an toàn và có trách nhiệm.

Tiến tới luật hóa để phát triển tái chế

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã nhấn mạnh tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Việc chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững; khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời, tạo nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Ông Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn chia sẻ
tại diễn đàn.(Ảnh: Hà Anh).

Theo ông Thắng, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, cần xây dựng hành lang pháp lý với hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn hoàn thiện hơn, nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên.

“Cần tiến tới luật hóa để phát triển tái chế, tái sử dụng phế phụ phẩm và tài nguyên. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi cho các dự án kinh tế tuần hoàn với sự hỗ trợ về vốn, tiếp cận tín dụng, công nghệ, thị trường; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp. Cùng với đó là đầu tư nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu mô hình kinh tế tuần hoàn, truyền thông nâng cao nhận thức và thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm”, ông Thắng nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm