Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững

DNVN - Gần đây mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa vào thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm ở cả Việt Nam. Mô hình KTTH được hiểu là một mô hình kinh tế mà trong đó giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, và tạo ra chất thải tối thiểu.

Bộ trưởng Tô Lâm: “Việt Nam không khoan nhượng với tội phạm ma túy” / Các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trong Quy định “thích ứng an toàn”

Chiều ngày 14/10/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn - tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững”. Trong những năm qua với nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp tiên phong, khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã trở nên gần gũi hơn rất nhiều. KTTH cung cấp một góc nhìn mới về sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn, sử dụng nguồn lực hữu hạn về nước, năng lượng, nguyên vật liệu và cả thực phẩm với vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với phương thức hiện tại.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết: Theo ước tính năm 2018, nhu cầu tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế của con người hiện gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của trái đất vì vậy, nếu không thay đổi cách thức phát triển thì việc cạn kiệt tài nguyên, kể cả với tài nguyên có thể tái tạo là điều khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó cũng là các vấn đề về rác thải, chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa của thế giới đổ ra biển năm 2014 là 150 triệu tấn. Ước tính đến năm 2050, tổng lượng rác thải nhựa sẽ còn lớn hơn tổng lượng cá trong các đại dương.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Tổng Thư ký VBCSD phát biểu khai mạc Hội thảo.

Việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế truyền thống, hay còn gọi là kinh tế tuyến tính dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường ngày nay đã không còn phù hợp.
Mô hình kinh tế truyền thống dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Áp dụng KTTH là một cách tiếp cận chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải để thay thế mô hình kinh tế tuyến tính – mô hình kinh tế chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ. KTTH dựa trên nguyên lý động lực học, nhất là định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, với cốt lõi là kết nối điểm cuối với điểm đầu của quá trình kinh tế, giúp các vật liệu được thu hồi trở lại thành đầu vào cho hệ thống kinh tế.
Tổng Thư ký VCCI chia sẻ: Gần đây KTTH được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa vào thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm ở cả Việt Nam. Mô hình KTTH được hiểu là một mô hình kinh tế mà trong đó giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, và tạo ra chất thải tối thiểu.
Khi đó, nền kinh tế sẽ đạt được vòng tuần hoàn khép kín với sự tham gia tổng thể và toàn diện của các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất thông qua việc chia sẻ thông tin, ứng dụng những mô hình kinh doanh mới, kết hợp các chuỗi cung ứng nhằm đạt được những mục tiêu được tính toán khoa học với sự hỗ trợ từ hệ thống luật và các quy định quản lý từ Chính phủ.
KTTH sẽ giúp không cần phải tiêu thụ thật nhiều tài nguyên để đạt được những con số tăng trưởng kinh tế khả quan, đồng thời sẽ thu được những ảnh hưởng tích cực về môi trường và xã hội nhằm chuyển đổi toàn diện hệ thống sản xuất và tiêu dùng sang một định hướng mới giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, và cả sự bất bình đẳng đang leo thang.
Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp cận chuyển đổi sang KTTH sẽ góp phần đạt được trực tiếp 8 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và sẽ tiếp tục lan tỏa để thúc đẩy đạt được các mục tiêu khác. Để đạt được thay đổi cơ bản về xã hội, KTTH phải được các Chính phủ phát triển một cách đồng bộ với đầy đủ các nguồn lực được phân bổ để hỗ trợ sự thay đổi.
Tại Việt Nam, năm 2020, Chính phủ đã ban hành luật bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó KTTH đã được thể chế hóa thông qua các điều khoản trong luật. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực biên soạn nghị định hướng dẫn thực thi luật môi trường mới và từng bước đưa vào áp dụng KTTH trong năm 2022 cũng như các năm sau.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm