Chính sách

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may: Những điều kiện đưa ra để doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ rất vô lý!

DNVN - Theo ông Chu Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, khả năng tác động của Covid-19 tới ngành dệt may sẽ kéo dài sang năm 2022. Vì vậy, Chính phủ cần kéo dài thời gian thực hiện các chính sách và các gói ưu đãi dành cho các doanh nghiệp chịu tác động bởi Covid-19.

Xuất nhập khẩu, dệt may được kỳ vọng thúc đẩy tín dụng nửa cuối năm / Đức hỗ trợ công nhân dệt may Việt Nam vượt COVID-19

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế nói chung. Trong đó, ngành dệt may của Việt Nam chịu tác động mang tính chất đa chiều. Tại “Diễn đàn chính sách chỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”, ông Chu Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, "dịch Covid-19 tạo ra một tác động chưa từng có trong tiền lệ. Tác động tiêu cực của Covid-19 lên ngành dệt may có lẽ chỉ sau ngành hàng không mà thôi”.

Theo đó, ông Cẩm cho biết, ngành dệt may trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 không chỉ gặp khó khăn về việc đứt gãy chuỗi cung ứng mà còn gặp khó khăn về nguồn cung nhiên liệu. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Giảm mạnh nhất là bắt đầu sáng quý II năm 2020 do nhu cầu của các thị trường như Mỹ, EU… đều giảm. Đây là những thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết thêm, các doanh nghiệp ngành dệt may thời gian qua rất mong đợi và kỳ vọng vào các gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên các doanh nghiệp ngành dệt may cũng xác định với nhau ngay từ đầu là những gói hỗ trợ này doanh nghiệp (DN) sẽ không thể tiếp cận được. Vì vậy phải từ mình cứu lấy mình là chính.

Ông Chu Văn Cẩm – Phó chủ tịch hiệp hội dệt may Việt Nam.

Ông Chu Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Theo ông Cẩm, những điều kiện đưa để doanh nghiệp được hưởng các gói hỗ trợ như: Doanh nghiệp không có doanh thu, doanh nghiệp không có khả năng tài chính, doanh nghiệp phải giảm ít nhất 50% lao động đóng bảo hiểm xã hội…. là điều rất vô lý. Vì để đáp ứng được những điều kiện đó thì doanh nghiệp đã phá sản rồi.

“Mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp dệt may là làm sao giữ chân được doanh nghiệp để hậu Covid-19 có thể phát triển sản xuất. Việc giữ chân được người lao động không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội, cho đất nước nói chung. Vì đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn liên quan đến an sinh xã hội”, ông Cẩm nói.

Ông Cẩm cũng thẳng thắn cho biết, trước đó Hiệp hội Dệt may đã có nhiều văn bản kiến nghị với nhà nước về các điều kiện, tiêu chuẩn tiếp cận các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, các quy định quá ngặt nghèo. Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ thì phải chứng minh tài chính. Phải chứng mình trên sổ sách kế toán, phải công khai để các cơ quan nhà nước vào kiểm tra. Đa phần các doanh nghiệp đều không thích điều này. Chính vì vậy, họ thà không được hưởng trợ cấp còn hơn gặp chuyện rắc rối.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cũng cho biết, việc các gói hỗ trợ của Chính phủ có nhiều bất cập thời gian qua ai cũng thấy. Tuy nhiên việc sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế thì quá lâu, gần như mất thời cơ để cứu doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động.

Ông Chu Văn Cẩm thay mặt các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đưa ra kiến nghị việc Chính phủ cần là không chỉ làm các chính sách kịp thời để doanh nghiệp và người lao động được thụ hưởng, mà đối với các doanh nghiệp đã tiếp cận được một số chính sách thì cần kéo dài thời gian hưởng chính sách hơn nữa. Riêng ngành dệt may, khả năng tác động của Covid-19 sẽ kéo dài sang năm 2022 chứ không chỉ trong 2021. Thời gian tới các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn để phục hồi.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần rà soát tất cả chính sách mà việc thu của doanh nghiệp chỉ để tiết dư, ví dụ: phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các loại bảo hiểm hưu trí, tử tuất… Tất cả những gì thu lại để tiết dư thì dừng lại không thu, thậm chí miễn giảm cho doanh nghiệp. Như vậy mới cứu được doanh nghiệp. Cứu được doanh nghiệp thì cứu được hàng triệu lao động kèm theo.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm