Dệt may xuất sang Mỹ ‘đứng ngồi không yên’ trước nguy cơ áp thuế
Xuất khẩu rau quả 'chạy nước rút' sang Trung Quốc / Trung Quốc 'siết' nhập khẩu, doanh nghiệp thủy sản phải làm gì?
Cách đây 2 tháng, USTR đã khởi động một cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ nhằm điều tra việc sử dụng gỗ được cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam.
Không để áp thuế vô lý
Đây được cho là một động thái có thể mở đường cho việc áp các loại thuế trừng phạt mới đối với hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam, trong đó có hàng dệt may và da giày.
Ngành dệt may đối mặt nguy cơ áp thuế từ việc USTR khởi động một cuộc điều tra.
Liên quan đến việc này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) hôm 6/12 đã gửi thông báo đến các doanh nghiệp (DN) thành viên đã và đang làm việc chặt chẽ cùng với các đối tác Mỹ, đặc biệt là Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA) để có tiếng nói đại diện cho DN và người tiêu dùng Mỹ gửi tới USTR cũng như Tổng thống mới đắc cử Joseph R Biden.
Trước đó, Vitas đã gửi nhiều văn bản tới Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành liên quan, đặc biệt là với Thủ tướng Chính phủ để có hành động cấp chính phủ hỗ trợ đàm phán với phía Mỹ trong phiên điều trần dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/12/2020.
Ngoài ra, theo ông Hoàng Ngọc Ánh, quyền Tổng thư ký Vitas, phía Hiệp hội sẽ tiếp tục hợp tác với Liên minh các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam để có căn cứ yêu cầu USTR không áp đặt thuế lên ngành dệt may và giày dép Việt Nam.
Ông Ánh cũng khẳng định những nguồn tin không đáng tin cậy đăng tải “Mỹ chắc chắn sẽ áp thuế lên hàng dệt may và giày dép Việt Nam ngay từ 1/1/2021” là hoàn toàn không chính xác
Còn theo ông Steve Lamaro, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AAFA, Việt Nam là một đối tác quan trọng đối với ngành công nghiệp dệt may Mỹ và ngày càng trở nên quan trọng khi các DN Mỹ đang thực hiện chiến dịch đa dạng hoá và "thoát ly" Trung Quốc.
Chính vì vậy, ông Steve Lamaro nhấn mạnh việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây ra sự gián đoạn vô cùng nghiêm trọng, đe doạ trực tiếp đến đầu tư và làm tăng giá, ảnh hưởng đến các hộ gia đình người lao động tại Mỹ và gia tăng chi phí cho chuỗi cung ứng hỗ trợ trực tiếp cho hàng triệu lao động tại Mỹ.
Cũng theo Chủ tịch của AAFA, đây không phải là lúc để áp đặt các chi phí mới đối với chuỗi cung ứng của Mỹ, đặc biệt là đối với những người tạo ra việc làm cho người lao động vẫn đang hồi phục sau tác động của dịch Covid-19.
Kỳ vọng hanh thông
Hơn thế nữa, theo lãnh đạo của AAFA, các mức thuế trừng phạt mới có thể khiến nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong khi cả cộng đồng vẫn cần phục hồi nền kinh tế trong điều kiện sức khoẻ an toàn.
“Thuế quan sẽ đánh trực tiếp vào người tiêu dùng và người lao động Mỹ. Đã đến chính quyền Mỹ cần có cách tiếp cận khác về chính sách thương mại, một chính sách không trừng phạt người tiêu dùng, người lao động và cả cộng đồng Mỹ”, ông Steve Lamaro lưu ý.
Nhân chuyện như vậy, những nhà phân phối và bán lẻ ở Mỹ cũng bày tỏ mong muốn chính quyền nước này nên dỡ bỏ thuế quan áp đặt theo điều khoản 301 đối với hàng dệt may, giày dép và tái gia nhập lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nay được gọi là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm phù hợp với lợi ích của DN dệt may và người tiêu dùng hai nước.
Có thể nói, những động thái từ phía USTR đang làm dấy lên nỗi lo lớn cho các DN xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam vốn đã vượt qua nhiều khó khăn trong các đợt dịch Covid-19 để XK vào thị trường Mỹ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho biết Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của dệt may Việt, chiếm khoảng 42% tổng kim ngạch XK dệt may của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2020.
Và ông Giang mong rằng Mỹ vẫn luôn là thị trường có tính chiến lược của ngành dệt may Việt. Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châuÂu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), lại đánh giá cao những nỗ lực của dệt may Việt trong việc XK vào Mỹ dù đối mặt nhiều thách thức lớn, trong đó có thách thức từ tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Cần nhắc thêm, Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho Mỹ. Ngược lại, Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu bông hàng đầu của Mỹ. Thương mại song phương ở lĩnh vực này đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 năm trở lại đây.
Chủ tịch Vitas cũng kỳ vọng Tổng thống mới đắc cử của Mỹ là ông Joseph R Biden sẽ có những chính sách cởi mở hơn về mặt thương mại nhằm tạo thêm động lực cho XK dệt may. Mặt khác, ngành dệt may Việt cũng mong muốn Mỹ sẽ tiếp tục là nhà nhập khẩu bông lớn nhất của họ.
“Chúng tôi vẫn đang thúc đẩy cho các nhà máy kéo sợi ở Việt Nam vào việc nhập khẩu bông của Mỹ”, ông Giang nói.
Từ những lẽ trên, đến lúc USTR cần cân nhắc nhằm không gây thêm những gián đoạn về chuỗi cung ứng để nguồn nguyên liệu bông của Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam nhiều hơn và XK dệt may Việt vào Mỹ sẽ hanh thông hơn sau các tác động của dịch Covid-19 thay vì đối mặt với nguy cơ áp thuế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng