Chính sách

Quảng Ninh: Xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp

DNVN - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách; xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Giữa lúc cổ phiếu đang lao dốc, một dự án của Tập đoàn CEO tại Vân Đồn Quảng Ninh bị thu hồi chủ trương đầu tư / Chiêm ngưỡng kỳ quan đá chồng ở Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh có gần 423 ngàn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 68,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đứng thứ 18/63 tỉnh thành trong cả nước, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2022 đạt 55%.

Rừng gắn liền với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, kỳ vỹ như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; di tích Yên Tử; khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn Kỳ Thượng và hơn 500 di tích, danh lam thắng cảnh đã được công nhận.

Rừng không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong cân bằng hài hoà giữa phát triển công nghiệp, khai khoáng và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh, từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/2/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chiều 28/3, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/T, tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.

Đoàn công tác của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nắm tình hình thực tế về công tác bảo vệ, phát triển rừng tại tỉnh Quảng Ninh.

Nhiều chương trình, đề án, kế hoạch triển khai có hiệu quả đóng góp vào sự tăng trưởng của lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, nâng tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao chất lượng rừng.

Các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chính sách khoán bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đã tạo nguồn thu nhập và sinh kế cho người dân.

Tuy nhiên, cơ chế chính sách bảo vệ phát triển rừng bền vững chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là trồng mới rừng gỗ lớn; chuyển rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, đặc dụng; phát triển dược liệu và xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất lâm nghiệp.

Tỉnh chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực lâm nghiệp...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW với nhiều kết quả nổi bật, là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai thực hiện chỉ thị.

Nhấn mạnh các mục tiêu lớn của tỉnh Quảng Ninh trở thành một cực trong tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phát huy vai trò đầu tàu, động lực trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tăng cường quản lý, bảo vệ, khôi phục và nâng cao chất lượng rừng. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng hướng tới việc thực hiện cam kết quốc tế giảm mức phát thải ròng về “0ˮ vào năm 2050.

Có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.

Nghiên cứu thực hiện các giải pháp căn cơ, đồng bộ, thúc đẩy lẫn nhau trong phát triển kinh tế rừng và kinh tế biển.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm