Chính sách

Quy định lắp thiết bị đo xăng điện tử không ảnh hưởng nhập khẩu xăng dầu

DNVN - Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính vừa khẳng định, quy định lắp thiết bị đo xăng điện tử tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, kết nối với cơ quan hải quan không ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu xăng dầu.

Bộ Công Thương thừa nhận doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ rất nhiều / Gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Trước thông tin cho rằng, một trong số những nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, gây ra tình trạng thiếu xăng cục bộ là do một số doanh nghiệp không nhập khẩu được xăng dầu vì chưa có kết nối điện tử nên cơ quan hải quan không thông quan, Tổng cục Hải quan khẳng định: Thời gian qua, thủ tục nhập khẩu và thông quan đối với mặt hàng xăng dầu luôn được cơ quan hải quan thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 31/8, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 3642/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, quy định lắp thiết bị đo xăng điện tử không ảnh hưởng nhập khẩu xăng dầu.

Các đơn vị phải bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính, đảm bảo thông quan 24/7. Cơ quan hải quan bám sát diễn biến thực tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, theo quy định tại khoản 1 điều 11 Nghị định số 67 sửa đổi, bổ sung điều 22 Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu thì thương nhân kinh doanh xăng dầu có 2 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực để hoàn thiện điều kiện theo quy định như lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan. Từ ngày 10/8/2022, các doanh nghiệp phải thực hiện quy định này.

Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản để đôn đốc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đúng nội dung, thời hạn quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp đã có thời gian 2 năm để chuẩn bị trước khi Nghị định 67 có hiệu lực. Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan không nhận được phản ánh vướng mắc từ phía các doanh nghiệp khi triển khai Nghị định số 67/2020/NĐ-CP.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến nay đã có 46/52 kho xăng dầu đầu mối (chiếm gần 88,5%) đáp ứng quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP; 6 kho (chiếm 11,5%) chưa đáp ứng quy định.

Theo thông tin từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sản lượng sản xuất xăng dầu trong nước đáp ứng 70% lượng xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam, 30% còn lại là từ nguồn nhập khẩu.

Theo đó, Tổng cục Hải quan khẳng định, việc cơ quan hải quan tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan, không ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm