Bộ Công Thương thừa nhận doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ rất nhiều
DNVN - Tại họp báo thường kỳ chiều 12/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương thừa nhận, thời gian vừa qua thị trường xăng dầu gặp khó khăn, các doanh nghiệp thua lỗ rất nhiều.
Xăng, dầu tăng giá trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp / Doanh nghiệp Việt gặp nhiều thách thức với hàng rào thuế carbon
6 nguyên nhân
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắc Lắc...
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, ông Trần Duy Đông cho rằng, từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp báo chiều 12/10.
Trong quý II, các DN đầu mối kinh doanh xăng dàu đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước. Đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Do đó, các DN lỗ rất nhiều.
Sang quý III (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10), giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm mạnh. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều DN bị thua lỗ lớn nên đã buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.
Ngoài ra, việc nhập khẩu giảm trong quý III do quý III có 7 DN bị tước giấy phép tạm thời thời gian từ 1 - 1,5 tháng và 1 số DN do yêu cầu của hải quan theo quy định mới thì không thực hiện được hoạt động thông quan do không kết nối điện tử. Về việc này, Bộ Công Thương đã có giải pháp bàn với Bộ Tài chính để làm sớm, tạo điều kiện cho thủ tục thông quan.
Thứ hai, do thua lỗ nên nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh xăng dầu thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.
Thứ 3, tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước do giá tăng gấp 2, 3 lần giá các năm trước nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nêu 6 nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ nhiều.
Thứ 4, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên DN hạn chế lượng NK để giảm thua lỗ. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước Châu Âu, các DN đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới.
Thứ 5, một số DN đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1 1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của các DN đầu mối bị tước giấy phép này.
Thứ 6, mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.
Bộ Công Thương nhận trách nhiệm
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, nguyên nhân chính của tình trạng trên xuất phát từ việc các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Họ chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
"Chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách tổng thể, trên cả nước có 17.000 cửa hàng xăng dầu. Vừa rồi xảy ra các sự việc cửa hàng đóng cửa, tạm ngưng bán hàng, nhưng số lượng chính xác cần phải thống kê lại. Dù có bao nhiêu đi chăng nữa, đó cũng là trách nhiệm của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác có liên quan. Chúng tôi nhìn thẳng vào những trách nhiệm đó và có biện pháp xử lý, giải quyết", ông Đỗ Thắng Hải nói.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong quý II vừa qua, do việc nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, giảm công suất, xuống còn 50%, thậm chí có thời gian gián đoạn, chính vì vậy, Bộ Công Thương đã phải đưa ra quyết định yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tăng lượng nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, có thời điểm lúc mua rất cao, nhưng sau đó liên tục giảm đã dẫn tới các doanh nghiệp bị thua lỗ. Khi lỗ thì phải cắt giảm bớt chi phí, trong đó có phần chiết khấu xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý.
Giải pháp gỡ khó cho DN
Theo ông Trần Duy Đông, sáng 12/10, Bộ đã có cuộc họp với các DN thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để lắng nghe ý kiến, tìm ra giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan ra soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh premium...
Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường, đặc biệt là các DN tước giấy phép hoặc tạm tước giấy phép.
Đề nghị các nhà máy lọc đầu cần có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.
Đồng thời, các nhà máy lọc dầu cũng cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước. Trên cơ sở cuộc họp sáng nay, rà soát để phân giao tổng nguồn phù hợp, gồm nguồn nhập khẩu và trong nước để đảm bảo đủ nguồn cho quý IV.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh việc theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo quy định cần có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh và vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Tránh tình trạng xử lý vi phạm không đúng quy định hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp để bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia...
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo