Chính sách

Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, hoạt động tái thiết, phục hồi sau thiên tai đã và đang được thực hiện quyết liệt và toàn diện hơn.

Nhìn lại siêu bão YAGI với những giải pháp lâu dài - Bài cuối: Bài học ứng phó với thiên tai / Mở màn final walk, Bùi Quỳnh Hoa cúi đầu, cầu mong bình an cho đồng bào chịu hậu quả nặng nề vì thiên tai

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ phục hồi sau thiên tai, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện nay Việt Nam đã có chùm chính sách cơ bản đầy đủ và đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, thiên tai là sự thiệt hại vô cùng lớn, để bù đắp lại thiệt hại này khó có thể đáp ứng hết được.

Chính vì vậy, từ thực tiễn và thiệt hại lớn của bà con, chính sách tái thiết, phục hồi sau thiên tai còn có mặt chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, cộng đồng, thậm chí của cả chính quyền khi triển khai đền bù, hỗ trợ.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa đổi bổ sung Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Bộ đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo và trình lên Văn phòng Chính phủ.

“Nghị định sửa đổi Nghị định 02/2017/NĐ-CP được kỳ vọng một phần nào đó, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đền bù cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương, cộng đồng và nhân dân”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai nhấn mạnh khi cả hệ thống chính trị tạo vào cuộc, hoạt động tái thiết sau thiên tai sẽ hiệu quả.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, kinh nghiệm phòng chống thiên tai dọc theo chiều dài lịch sử của dân tộc cùng với kinh nghiệm quốc tế đã và đang áp dụng hiệu quả trong hoạt động khắc phục hậu quả bão lũ. Trong đó có việc khắc phục thiệt hại Bão số 3 (Yagi) vừa qua.

Khắc phục thiệt hại từ Bão số 3 có thể thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị nói chung và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói riêng. Từ những bài học kinh nghiệm hay trong nước và quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa vào từng công tác chỉ đạo, từng kế hoạch hoạt động; triển khai từng nội dung cụ thể cho từng ngành, địa phương.

Một trong những kinh nghiệm gần đây nhất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn áp dụng là từ bài học bão lũ tại Quảng Bình vào năm 2020. Khi đó, tại nhiều nơi, sạt lở đất vùi lấp hết đồng ruộng, không khắc phục lại được như trước.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cùng với các chuyên gia đã xuống chỉ đạo cùng với Quảng Bình chuyển đổi cây trồng. Thay vì cấy lúa thì trồng ngô, đậu, lạc trên mảnh đất mới, mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận. Việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn bộ cộng đồng quyết liệt vào cuộc đã phát huy được sức mạnh vượt trội.

“Chúng ta đã quyết liệt thực hiện ngay khi thiên tai xảy ra, Mặt trận Tổ quốc, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kêu gọi tổ chức quốc tế, các cộng đồng chung tay giúp người dân chịu thiệt hại từ thiên tai vượt qua nguy cấp ban đầu.

Sau đó là tái thiết, phục hồi sau thiên tai như huy động cộng đồng cung cấp con giống, cây giống, rồi những công cụ dụng cụ, kỹ năng hướng dẫn bà con phục hồi và ổn định sản xuất”, ông Tiến chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Tiến, kinh nghiệm quốc tế về đánh giá đa ngành thiệt hại sau thiên tai đã được áp dụng hiệu quả trong hoạt động tái thiết, phục hồi sau Bão số 3. Từ kết quả của đánh giá đa ngành thiệt hại sau thiên tai, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra những khuyến cáo, khuyến nghị từng ngành một, giao từng nhiệm vụ một cho phù hợp với từng cơ quan, địa phương.

Sau Bão số 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức đánh giá đa ngành về thiệt hại sau bão.

Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế đã đến từng địa phương đánh giá, đưa ra những khuyến cáo khuyến nghị để khắc phục thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài. Giúp bà con khắc phục và ổn định sản xuất.

“Đây là kinh nghiệm quốc tế rất quý giá, qua đó, chúng ta đã đánh giá được, chỉ ra được những vấn đề cần làm ngay và đưa ra khuyến cáo. Gắn vào đó là hiệu quả từ công tác chỉ đạo, xây dựng đề án, chương trình, giúp chúng ta khắc phục thiệt hại sau thiên tai, đặc biệt là tái thiết và ổn định sản xuất cho bà con”, ông Tiến nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm