Chính sách

Sếp VietSense Travel: ”Chính phủ giảm 30% thuế thu nhập, thực tế DN bị tê liệt thì làm gì có thu nhập để được giảm”

DNVN - Câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp du lịch và hậu khủng hoảng Covd 19, nên hay không nên kích cầu du lịch trong thời điểm này được một giám đốc có tiếng trong ngành du lịch - ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc công ty CP VietSense (VietSense Travel) chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo xử lý vướng mắc cho 2 DN bị truy thu thuế hàng chục tỷ đồng / Thừa Thiên Huế: Sẽ tổ chức “Hội nghị diên hồng” với người làm sản phẩm OCOP

Thưa anh, hiện tại ngành du lịch đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, VietSense Travel chịu những ảnh hưởng và tổn thất gì?

Ông Nguyễn Văn Tài: Doanh nghiệp chúng tôi, VietSense Travel và các doanh nghiệp lữ hành khác trên khắp cả nước đều đang trong cùng một trạng thái khủng hoảng nghiêm trọng. Sau ba tháng đóng băng vì ảnh hưởng Covid-19 đợt 1 chưa kịp phục hồi, thì phải tiếp tục đối mặt với tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 khiến cho doanh nghiệp đang yếu ớt trở nên kiệt quệ.

Từ giữa tháng 5 khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, với nhiều chương trình kích cầu, các công ty du lịch, lữ hành. Trong đó chúng tôi đã hoạt động sôi nổi với các sản phẩm du lịch nội địa, tưởng như thị trường đã hồi sinh thì đến cuối tháng 7 khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, Quảng Nam sau đó lan ra một số tỉnh, thành phố khác, thì đồng loạt các tour tháng 8, tháng 9 phải hủy, hoạt động kinh doanh tê liệt từ đó đến giờ. Doanh nghiệp du lịch tê liệt, không có hoạt động giao dịch, không có doanh thu đồng nghĩa với việc cán bộ, nhân viên công ty phải nghỉ làm, mất việc, công ty tạm đóng cửa để cắt giảm chi phí.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, anh đã có chiến lược để cầm cự, duy trì sự sống của VietSense Travel?

Trong thời gian Covid-19 đợt một hồi đầu năm thì lúc đó doanh nghiệp vẫn còn ngân sách dự phòng quản trị rủi ro để tài trợ cho những hoạt động chính yếu của doanh nghiệp như chi phí mặt bằng văn phòng, chi trả mức lương cơ bản cho cho CBNV. Nên lúc đó chúng tôi có điều kiện thực hiện các hoạt động tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ trong phạm vi nội bộ công ty. Triển khai các công việc phát triển marketing online như làm nội dung, hình ảnh cho các website, Fanpage, chuẩn hóa quy trình giao dịch trực tuyến và nâng cấp các thiết bị hạ tầng số như hệ thống kết nối Internet, sửa chữa máy móc và cài đặt, tập huấn sử dụng các phần mền hỗ trợ điều hành tour, kế toán…

Nhưng ở thời điểm hiện tại do tác động của Covid-19 đợt 2, với tình trạng khó khăn chồng chất như hiện nay có lẽ giải pháp duy nhất mà công ty chúng tôi và các công ty khác đang thực hiện đó là cắt giảm tối đa chi phí vận hành, kêu gọi khách hàng chia sẻ bảo lưu các gói dịch vụ thay vì hoàn tiền, đàm phán với các nhà cung cấp mặt bằng văn phòng miễn, giảm tiền thuê, giãn, hoãn các khoản nợ các nhà cung cấp và ngân hàng...

Cùng với đó là công tác chia sẻ hỗ trợ mức lương tối thiểu và động viên anh, em cán bộ nhân viên cùng cố gắng để vượt qua khó khăn và trở lại làm việc ngay khi dịch bệnh được kiểm soát và thị trường du lịch trở lại.

ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc công ty CP VietSense (VietSense Travel).

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc công ty CP VietSense (VietSense Travel).

Hậu Covid 19 đơn vị anh đã kịp thời làm những công việc gì, việc tổ chức tour đoàn có diễn ra thuận lợi hay không?

Như tôi đã nói ở trên, kể từ giữa tháng 5, khi dịch bệnh Covid-19 đợt 1 được kiểm soát, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các ban ngành, sự hỗ trợ của truyền thông báo đài, và sự tích cực chủ động của các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa rất hiệu quả. Thị trường du lịch biển hè trong tháng 6 và 7 tăng cao, VietSense Travel của chúng tôi cũng đã triển khai bán và tổ chức được rất nhiều tour phục vụ trong các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và cá nhân đi nghỉ mát hè.

Cụ thể trong tháng 6 chúng tôi phục vụ gần 2.000 lượt khách và tháng 7 là gần 3.000 lượt. Các sản phẩm chúng tôi khai thác chủ yếu trong hai tháng 6 và 7 chủ yếu là các tour đoàn riêng cho các tổ chức, doanh nghiệp và các gói combo dịch (vé, phòng khách sạn/resort) và các tour ghép khách lẻ khởi hành cố định cho các nhóm nhỏ, gia đình và cá nhân.

Do việc chung tay liên kết tốt giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ (vận chuyển, lưu trú, ăn uống…) với VietSense Travel cùng với những hoạt động hỗ trợ tích cực của các điểm đến, chúng tôi đã tổ chức các tour và cung cấp dịch vụ đến khách hàng rất thuận lợi và thành công trong hai tháng 6 và 7 trước khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 2.

Anh có thể chia sẻ về việc doanh nghiệp của anh có được hưởng lợi từ gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ, hay từ phía ngân hàng, thuế, bảo hiểm..?

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận tích cực và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch và chăm lo đời sống người dân và quan tâm đến doanh nghiệp. Tuy nhiên những chính sách hỗ trợ cụ thể thì lại chưa giúp đỡ cho đơn vị chúng tôi được nhiều, cụ thể là: Chính phủ miễn giảm thuế môn bài cho doanh nghiệp mới thành lập cái này thì không tác động đến chúng tôi. Chính phủ giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp, thực tế doanh nghiệp bị tê liệt kinh doanh thì làm gì có thu nhập để được giảm.

Chính sách cho phép chậm nộp các khoản phí đóng quỹ hưu trí, tử tuất. Nhưng các khoản bảo hiểm vẫn thu bình thường. Khoản này rất nhiều và doanh nghiệp đang rất cạn vốn, nhưng nếu không đóng thì lại rất khó để xử lý các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên nghỉ việc và các chế độ thai sản cho các nhân viên sinh đẻ trong giai đoạn này.

Về ngân hàng thì với các công ty dịch vụ du lịch, lữ hành không có tài sản cố định giá trị và đa phần là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nên khả năng tiếp cận vốn ngân hàng là không thể, vì vậy chính sách hạ lãi suất cũng coi như không có tác động.

Tôi rất mong Chính phủ xem xét thực trạng này và đưa ra những gói hỗ trợ thiết thực hơn để hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong giai đoạn này.

Tôi nhận thấy, có vẻ du lịch đang ấm dần lên đôi chút, anh thấy thế nào? Cung đường nào được lựa trong thời điểm này?

Cho đến hôm nay, các ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương cơ bản được kiểm soát, và đã 5 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng nên người dân thấy yên tâm cùng với đó là một số điểm du lịch đang vào vụ như: Mùa lúa chín Mù Cang Chải, mùa thu Hà Nội, mùa du lịch Tây Bắc, mùa nước Miền Tây cũng sắp đến, nên du lịch đang có dấu hiệu phục hồi. Các cung đường và tuyến tour chủ đạo trong giai đoạn tới là vòng cung Đông -Tây Bắc, Miền Tây, Tây Nguyên.

Theo anh, câu chuyện kích cầu du lịch có nên thực hiện hay không trong thời điểm này?

Khi dịch bệnh đã lắng xuống, để thúc đẩy kinh doanh du lịch thì việc kích cầu là hoàn toàn cần thiết. Hiện nay các tỉnh, thành Tổng cục Du lịch, các sở du lịch đều đã có kinh nghiệm thành công trong chiến dịch kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” ở giai đoạn Covid-19 đợt 1 nên chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy cho giai đoạn hậu Covid đợt 2 này.

Các doanh nghiệp đang trong tâm thế nắm tay chia sẻ, đoàn kết với nhau để cùng hồi sinh kinh doanh. Truyền thông và báo đài cũng luôn sát cánh với doanh nghiệp vì vậy việc kích cầu chắc chắn sẽ có tác động lớn đến nhu cầu của người dân đem lại hiệu quả cao doanh nghiệp, các điểm đến.

Hiện có ý kiến cho rằng, nếu vội vàng quá về câu chuyện kích cầu du lịch, sẽ không ổn? Theo anh việc kích cầu du lịch nên thực hiện thế nào?

Không ổn ở chỗ nào, tại sao lại không ổn? Chính phủ và các địa phương điều hành công tác phòng chống dịch rất chặt chẽ và hiệu quả, chỉ khi điều kiện dịch bệnh được kiểm soát thì mới cho phép các hoạt động, trong đó có du lịch trong bình thường mới.

Vì vậy khi điều kiện này thỏa mãn thì các công tác kích cầu phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng cần phải đẩy mạnh để đạt được mục đích kép là phòng chống dịch và phát triển kinh tế như Thủ tướng nói. Hơn nữa, người dân hiện nay đã ý thức rất rõ về dịch bện,h cũng như biết cách phòng tránh cho bản thân và cộng đồng vì vậy kích thích nhu cầu để họ đi du lịch là hợp lý.

Anh tin du lịch có hồi phục hay không? VietSense Travel anh đã có những bước chuẩn bị gì cho thời gian sắp tới?

Chắn chắn là du lịch sẽ hồi phục và phát triển bùng nổ sau dịch. Nhu cầu của người dân bị dồn nén trong suốt thời gian dịch, doanh nghiệp du lịch liên kết kích cầu với chính sách giá tốt, dư địa tài nguyên, tiềm năng của các điểm du lịch trong nước là rất lớn và đa dạng. Đây là những điều kiện cốt yếu để có cơ sở khẳng định du lịch sẽ hồi phục nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát và dập tắt.

VietSense Travel đã lên kế hoạch mở cửa hoạt động trở lại, các cán bộ cốt cán của công ty đã quay trở lại làm việc từ đầu tháng 9. Các kế hoạch kinh doanh các sản phẩm du lịch Thu Đông và Noel năm mới và Tết Nguyên Đán đang được chúng tôi rà soát và triển khai khẩn trương.

Xin cảm ơn Anh!

Đinh Loan (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm