Thừa Thiên Huế: Sẽ tổ chức “Hội nghị diên hồng” với người làm sản phẩm OCOP
Thừa Thiên Huế: Sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19 / Thừa Thiên Huế: Kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Phú Bài
Nhiều mô hình OCOP tiêu biểu
Chiều 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cùng đoàn công tác đã có buổi kiểm tra, khảo sát thực tế Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tại huyện Phong Điền và Quảng Điền.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ thăm vùng nguyên liệu Atiso đỏ của Công ty TNHH SX-TM&DV Hichagol.
Tại Công ty TNHH SX-TM&DV Hichagol (Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền), đơn vị chuyên sản xuất, thu mua và chế biến các sản phẩm từ hoa Atiso đỏ (Hibiscus), khung cảnh tấp nập người bán kẻ mua.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Công ty Hichagol, cho biết, chị khởi nghiệp với dự án “Lập vùng nguyên liệu, chế biến và thương mại cây Atiso đỏ”. Từ một cơ sở nhỏ, manh mún, đến nay gia đình chị đã lập công ty chuyên kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm là hoa Atiso tươi.
Sau đó, chị đăng ký thương hiệu và nghiên cứu để chế tạo ra các sản phẩm từ hoa Atiso như nước cốt, nước cốt có hoa, mứt, trà… Sản phẩm của Công ty Hichagol đã có mặt tại hầu hết tỉnh thành trên toàn quốc và tiến đến các thủ tục để xuất khẩu.
Hiện trên địa bàn huyện Phong Điền có khoảng 40ha Atiso đỏ, với thu nhập khoảng 240 triệu đồng/ha mỗi năm. Cây Atiso đỏ đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa và các loại hoa màu khác, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân nơi đây.
“Mong muốn của doanh nghiệp là có nguồn vốn ưu đãi để đầu tư thêm máy sấy, máy đóng túi lọc, để hoàn thiện dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ hoa Atiso đỏ. Đồng thời xây dựng cơ sở và mở rộng vùng nguyên liệu, để phát triển thành điểm tham quan du lịch cho du khách”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đoàn công tác cũng đến thăm HTX mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). HTX này khởi nguồn là một làng nghề sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu và có nguy cơ mai một khi chỉ chuyên đan lát các sản phẩm mây tre gia dụng.
Đến nay, HTX Bao La đã có bước “lột xác” ngoạn mục khi mạnh dạn cải tiến mạnh mẽ, tạo ra hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ hữu ích… phục vụ cuộc sống hàng ngày, không chỉ trong nước mà đã vươn rộng ra thị trường thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra sản phẩm sản xuất từ rau má của HTX Quảng Thọ 2.
Đoàn cũng đã đến thăm HTX Quảng Thọ 2 – nơi được nhiều người biết đến bởi sự thành công trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà thương hiệu “Rau má Quảng Thọ”. Từ một loại rau bình thường, trà rau má trở thành sản phẩm đặc trưng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
Để giải quyết đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người sản xuất, HTX đã đầu tư xây dựng mở rộng nhà xưởng, dây chuyền, thiết bị, hợp đồng thu mua ổn định, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm rau má. Các dòng sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, như: Rau má tươi VietGAP, trà rau má túi lọc, trà rau má sao khô, bột matcha rau má…
Theo lãnh đạo HTX Quảng Thọ 2, đơn vị đang có kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền, máy móc, mở rộng quy mô sản xuất để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
“Hội nghị diên hồng” lắng nghe người làm sản phẩm OCOP
Qua thực tế kiểm tra quy trình sản xuất và chất lượng các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ ghi nhận, đánh giá cao các doanh nghiệp, HTX đã nỗ lực trong quá trình tham gia đào tạo, tập huấn, đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP.
“Việc tham gia OCOP không chỉ để tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn, mà hơn thế, đó là phải luôn đảm bảo về mẫu mã, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, để giữ vững thương hiệu cho chính mình và cộng đồng, làng nghề. Đảm bảo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân. Đó mới là mục tiêu bền vững, lâu dài của sản phẩm đạt chuẩn OCOP”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, sắp tới tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức một diễn đàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của những người làm sản phẩm OCOP.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng lưu ý các địa phương, các chủ thể tham gia chương trình OCOP cần tiếp tục công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm, đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị, áp dụng quy trình sản xuất khoa học, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chuẩn bền vững. Từng bước mở rộng vùng trồng có truy xuất nguồn gốc, theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên. Tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị, chú trọng đến năng suất, chất lượng, thị trường, biến OCOP thành sản phẩm chủ lực của địa phương.
“Chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục hỗ trợ người dân cũng như các chủ thể tham gia chương trình OCOP trong công tác bảo vệ thương hiệu, các thủ tục để đăng ký vùng trồng, nhãn mác, mã QR truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, nhất là thị trường xuất khẩu chính ngạch. Tỉnh sẽ có tổ chức diễn đàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của những người làm sản phẩm OCOP”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo