Thông tin về EVFTA chưa lan tỏa rộng đến doanh nghiệp Việt Nam
Hải quan TP.HCM: Thu ngân sách nhà nước 5 tháng cuối năm còn nhiều thách thức / Vì sao giá vàng 'nhảy múa' giữa lúc đồng USD hụt hơi?
Đó là ý kiến các chuyên gia đưa ra tại hội nghị đối thoại giữa Hiệp hội Doanh nhân châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với UBND TP.HCM, chủ đề "Phát triển kinh tế và nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu và ra mắt Sách Trắng 2020”.
Cần cải thiện chất lượng hạ tầng, logistics
Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp cho rằng cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng hạ tầng là những yếu tố quyết định đến hiệu quả thực thi Hiệp định EVFTA.
Theo ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch EuroCham, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong vài thập kỷ qua trong việc hợp lý hoá các điều kiện, củng cố môi trường kinh doanh và hiện đại hoá khung pháp lý để đón đầu các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới.
Thách thức trong tương lai là việc đảm bảo quá trình thực thi Hiệp định sẽ diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Các nhà chức trách phía Việt Nam và Liên minh châu Âu đã cung cấp các công cụ pháp lý giúp mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới. Tuy nhiên thoả thuận này đạt được thành công hay không phụ thuộc vào nỗ lực từ hai phía.
Buổi đối thoại nằm xây dựng cầu nối giữa khối doanh nghiệp Châu Âu và chính quyền TP.HCM, qua đó tập trung thực hiện thành côngHiệp định EVFTA. (Ảnh: HT)
Cũng theo Phó Chủ tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet, mục đích của Sách Trắng 2020 là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương trong quá trình cải cách hành chính. Tất cả các vấn đề trong Sách trắng, một khi được đưa vào thực thi, sẽ giúp cho Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM - trung tâm kinh tế của đất nước trở thành môi trường kinh doanh cởi mở, cạnh tranh và hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp.
Ông Jean-Jacques Bouflet cũng cho biết thêm, các chỉ số môi trường kinh doanh vừa được EuroCham công bố cũng cho thấy mức độ tin tưởng của doanh nghiệp châu Âu vào sự phát triển của Việt Nam ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA được thông qua và chuẩn bị đi vào thực thi chính là lá phiếu tín nhiệm của EU đối với Việt Nam trong nỗ lực hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, theo đại diện của EuroCham, mặc dù Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và tích cực điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, song quá trình thực thi trên thực tế còn nhiều bất cập.
Cụ thể, cơ chế quản lý, kiểm soát của hải quan Việt Nam trong một số trường hợp chưa được thông thoáng. Cán bộ hải quan có xu hướng loại bỏ ưu đãi đối với các trường hợp nghi ngờ về xuất xứ mà không đưa ra bằng chứng cụ thể. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu chưa được thống nhất, nhiều cán bộ chưa hiểu rõ quy tắc xác định xuất xứ khiến doanh nghiệp không nhận được ưu đãi thuế quan chính đáng.
Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu mong muốn Việt Nam nâng cao tính thống nhất và thực thi hiệu quả chính sách vào thực tế, đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố xuất xứ hàng hóa của mình. Đồng thời, chính quyền TP.HCM cần cải thiện chất lượng hạ tầng, logistics để phục vụ hiệu quả hơn cho hoạt động thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử đang phát triển mạnh.
Thông tin EVFTA chưa lan tỏa rộng đến doanh nghiệp Việt
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, những năm qua, Việt Nam liên tục xuất khẩu gỗ ra thế giới với số lượng lớn. Như năm ngoái là 12 tỉ USD, trong đó thị trường châu Âu khoảng 1,4 tỉ USD. Lợi thế xuất khẩu vào châu Âu là thị trường ổn định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chánh Phương nhìn nhận thông tin về Hiệp định EVFTA chưa lan tỏa rộng đến doanh nghiệp Việt Nam mặc dù Hiệp định này sắp có hiệu lực. “EuroCham nên cung cấp nhiều thông tin về Hiệp định cho các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt”, ông Nguyễn Chánh Phương kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cũng đề xuất, chính quyền cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước nắm bắt thêm thông tin về doanh nghiệp châu Âu để biết họ cần gì cũng như tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại trong năm để doanh nghiệp trong nước nắm bắt được cơ hội mua bán, trao đổi với doanh nghiệp châu Âu.
Mặt khác, Việt Nam nói chung đang đứng trước cơ hội đầu tư lớn nhưng cũng nên nói không với doanh nghiệp đầu tư lạc hậu, không bảo đảm môi trường, giá trị gia tăng lớn. Thành phố phải có một chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tạo liên kết vùng.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. (Ảnh: TL)
Ngoài ra, ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng Hiêp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu trong việc tạo ra chuỗi cung ứng và tiêu dùng. Các máy móc, nguyên vật liệu, thiết bị công nghệ hiện đại của châu Âu sẽ nhập vào Việt Nam và ngược lại Việt Nam chính là thị trường của châu Âu, từ đó tạo ra các sản phẩm đẹp, an toàn hơn cho cuộc sống.
Qua đó, đẩy mạnh khả năng xuất khẩu làm kim ngạch tăng trưởng ở mức cao hơn. Đặc biệt Việt Nam đang là điểm sáng trong phòng chống dịch Covid-19, là điểm đến đầu tư an toàn của các doanh nghiệp châu Âu. Đây chính là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đặng Hiến nhìn nhận các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, trong đó phải thường xuyên chạy đua trước sự phát triển của công nghệ cao.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và cam kết sẽ chuyển những ý kiến này thành hành động cụ thể trong quý 3/2020, đưa Hiệp định EVFTA trở thành nhân tố quan trọng trong việc triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế sau tác động của dịch Covid-19.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong, Hiệp định này tác động đến tăng trưởng kinh tế, dự kiến góp phần làm cho GDP Việt Nam tăng từ 2,18 -3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu tiên thực hiện.
Riêng TP.HCM - trung tâm kinh tế của cả nước được hưởng lợi rất lớn từ Hiệp định này trong phát triển kinh tế, nhất là ở các mặt hàng dệt may, hàng nông sản, da giày máy móc, thiết bị…
Tuy nhiên, song hành với cơ hội là thách thức vì thành phố hiện có 470.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 2,14% doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký hơn 100 tỷ trở lên, còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu về kỹ năng quản trị, điều kiện kỹ thuật và còn nhiều rào cản khác. Còn phía châu Âu đặt ra điều kiện chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa, bảo hộ trí tuệ…. nếu không đáp ứng thì doanh nghiệp sẽ không tận dụng được lợi thế của Hiệp định.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc mà doanh nghiệp đưa ra. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền trung ương thì sẽ tập hợp để kiến nghị lại. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, người đứng đầu thành phố Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành cùng hướng về hỗ trợ doanh nghiệp.
“TP.HCM cam kết không chỉ mời gọi mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay phải cùng nhau vượt qua và hướng đến phát triển lâu dài, bền vững. Lãnh đạo thành phố mong muốn các doanh nghiệp châu Âu gắn bó hơn nữa trong sự phát triển lâu dài của TP.HCM”, ông Phong nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo