Chính sách

Thu hút du khách quốc tế: Cần có thời gian để các doanh nghiệp kết nối lại

DNVN - Dù Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa được như kì vọng. Một trong những nguyên nhân được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đưa ra là dịch COVID-19 khiến kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần có thời gian để các doanh nghiệp kết nối lại.

Sửa quy định nhập khẩu phim không nhằm mục đích kinh doanh / Doanh nghiệp tư nhân ít được khen thưởng dù đóng góp lớn

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức ngày 4/4, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, tháng 11/2021, chúng ta thí điểm mở cửa đón khách quốc tế và ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không nhiều như báo chí phản ánh.
Nguyên nhân là do hoạt động đón khách du lịch quốc tế liên quan đến luồng khách (nơi gửi khách và nơi đón khách). Trong khi đó, dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua đã làm hoạt động đón khách du lịch bị gián đoạn, đứt gẫy. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần có thời gian để các doanh nghiệp kết nối lại.
Bên cạnh đó, như thông lệ, thời điểm khách du lịch quốc tế đến đông sẽ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Chúng ta kỳ vọng trong những ngày tới đây, lượng khách sẽ đông hơn. Việc đón khách quốc tế cũng có điểm khó như luồng khách đến Việt Nam chủ yếu từ Đông Bắc Á, chiếm 70%.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, có nhiều nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia hiện nay đang có những chính sách chống dịch khá chặt chẽ như Trung Quốc với chính sách "zero COVID" hay khách nhập cảnh vào Hàn Quốc vẫn phải cách li. Điều này cũng làm cho khách du lịch vẫn e ngại.
Tình hình giữa Nga và Ukraine cũng là yếu tố ảnh hưởng đến lượng khách du lịch tới Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp tới một số địa phương của chúng ta hay đón khách Nga như Khánh Hoà.
Ngoài ra, thời gian vừa qua lượng ca nhiễm COVID-19 của Việt Nam tương đối nhiều. Do đó, khách du lịch quốc tế cũng thận trọng hơn khi chọn nước ta làm điểm đến.
Trước tình hình này, để sớm thu hút được du khách quốc tế trở lại Việt Nam, Bộ VHTT&DL đưa ra các nhóm giải pháp. Đó là tiếp tục làm tốt việc truyền thông về các chính sách visa, y tế, nhập cảnh cũng như cần có thêm thông tin kết nối với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để khách quốc tế có thể được tiếp cận thêm nhiều thông tin về chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành, du lịch có thể kết nối trở lại, tạo ra lượng cung-cầu tốt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ để thu hút nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
Thêm vào đó, cần chính sách thông thoáng hơn về để khách yên tâm khi đến Việt Nam.
Trước ngày Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế, trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, đã sát ngày 15/3 - thời điểm Chính phủ đồng ý cho mở cửa du lịch quốc tế nhưng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa công bố chính thức việc mở cửa. Điều này gây bất lợi nhiều cho ngành du lịch. Trong khi đó, các nước khác như Singapore hay Thái Lan công bố lịch mở cửa rất sớm, thậm chí trước cả 6 tháng.

Cộng đồng DN du lịch mong ngóng và cần một công bố chính thức và rộng rãi về kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế nói chung và đặc biệt cho các thị trường du lịch trọng điểm. Do đó, cần tổ chức cuộc họp báo quốc tế hoặc các cuộc phỏng vấn với lần lượt các hãng thông tấn quan trọng của quốc tế theo hình thức trực tuyến nhằm cung cấp thông tin Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế.

Theo ông Chính, không phải cứ mở cửa là có khách tới ngay. Hiện có rất nhiều người vẫn đang suy nghĩ: Việt Nam mở cửa là khách du lịch quốc tế ồ ạt đến. Đây là suy nghĩ sai lầm. Đúng là có rất nhiều khách có nhu cầu tới Việt Nam, nhưng phải hiểu họ đến Việt Nam nếu có điều kiện như thế nào, sản phẩm du lịch phải như thế nào để thỏa mãn nhu cầu của họ. Họ thay đổi hành vi như thế nào và mong muốn điều gì? Tìm kiếm trải nghiệm nào, quan ngại điều gì? Liệu họ có quan ngại trước yêu cầu cách ly hay xét nghiệm không? Nếu họ quan ngại thì phải khắc phục như thế nào? Từ đó đưa ra cách giải quyết vừa thân thiện vừa giữ được an toàn cho Việt Nam...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm