Chính sách

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Nghịch lý bộc lộ trong đại dịch

DNVN - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho rằng, trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp (DN) thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh.

Chính thức miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 13 nước / Tìm giải pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi "lệ làng"
Sáng 29/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021. Báo cáo phản ánh góc nhìn của DN đối với những chính sách được soạn thảo hoặc ban hành trong năm 2021, đồng thời phân tích sâu một số vấn đề pháp lý quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh.
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 đề cập đến những vấn đề rất nóng hiện nay được các DN và hiệp hội DN phản ánh nhiều thời gian qua.
Theo ông Tuấn, báo cáo đi theo hai “dòng chảy” nổi bật, gồm các chính sách liên quan đến COVID-19 và các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh.
"Trong năm 2021, điểm về dòng chảy pháp luật kinh doanh, phải nói rằng, nét nổi bật là sự chuyển dịch phương thức quản lý dịch bệnh. Nhóm chính sách này tác động rất lớn đến sự "sống còn" của DN. Chính vì việc thay đổi chính sách quản lý dịch bệnh, làm cho nền kinh tế và khu vực DN hồi sinh", ông Tuấn đánh giá.

Việc chuyển dịch phương thức quản lý dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021 đã tác động rất lớn đến sự "sống còn" của DN.
Tác động của dịch bệnh, đặc biệt là quý 3 năm 2021, đối với DN và nền kinh tế rất nghiêm trọng. Đối với doanh nghiệp làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa; thiếu hụt lao động; thay đổi mô hình sản xuất làm phát sinh chi lớn cho DN, phát sinh thủ tục hành chính, giấy phép con; hàng hóa ùn tắc tại một số cảng biển lớn.
Tuy nhiên, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã chuyển dịch quan điểm phòng, chống dịch từ "zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", từ đó tháo gỡ được các "điểm nghẽn" trên. Từ tháng 11/2021, nhiều ngành đã tăng trưởng trở lại, kinh tế đã bắt đầu khởi sắc.
"Chính sách chuyển dịch này đã tạo đà rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Tuấn nhìn nhận.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ tài chính cho một số ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề như hàng không, du lịch, ông Tuấn cho rằng, phần lớn các chính sách hỗ trợ đã nhìn “trúng”, “đúng” những đối tượng cần hỗ trợ. Qua đó góp phần đáng kể hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn bởi đại dịch.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, điểm khác biệt của năm 2021 là trong thời kỳ dịch bệnh có nhiều quy định pháp luật thể hiện sự bất cập, những điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN.
"Luật Truyền nhiễm 2007 là một ví dụ. Luật này đã được ban hành rất lâu nhưng năm 2021 việc sử dụng luật này, căn cứ vào luật này trong các văn bản pháp luật, trong các hoạt động rất ít. Điều này bộc lộ việc hoàn thiện luật này cần phải thay đổi trong thời gian tới", ông Tuấn chia sẻ.
Trong khi hoạt động kinh tế của cả nước đang chuyển sang trạng thái bình thường mới thì vẫn có tình trạng địa phương đặt ra các rào cản đối với việc đi lại. Tình trạng "phép vua thua lệ làng" đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN.
Dịch bệnh COVID-19 là đại dịch trước nay chưa có tiền lệ ở nước ta. Vì vậy, trong bối cảnh này, rất nhiều vấn đề pháp lý cần phải nhìn nhận lại. Báo cáo đã chỉ ra những quy định trong pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh, gây khó khăn, bất cập rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
"Khung khổ pháp lý chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu các nhà soạn chính sách phải xem xét lại một cách toàn diện hệ thống pháp luật về kinh doanh", ông Tuấn nói.
Băn khoăn về tính thực chất
Báo cáo của VCCI chỉ ra rằng, năm 2021, hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2010 được thúc đẩy mạnh mẽ. Hầu hết các bộ đã đề xuất phương án cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, báo cáo đã đặt ra những quan ngại về tính thực chất của hoạt động. Bởi vì, nhiều vấn đề vướng trong pháp luật hiện hành, đã được doanh nghiệp phản ánh nhưng vẫn chưa thấy đề xuất sửa đổi, bổ sung trong các phương án đưa ra.
Một nghịch lý cũng được Trưởng Ban Pháp chế của VCCI chỉ ra, đó là trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh.
Ví dụ như xuất khẩu gạo, thẩm định giá. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính thực chất và hiệu quả của hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh mà Nhà nước đang tiến hành.
Thông tư còn nhiều điểm vướng
Phân tích về chất lượng của thông tư, công văn, ông Tuấn cho biết, một số vấn đề còn tồn tại trong thông tư, công văn – hai dạng văn bản liên quan sát sườn đến hoạt động của DN.
Có nhiều thông tư ban hành điều kiện kinh doanh – điều mà Luật Đầu tư 2014, 2020 cấm. Các quy định tại thông tư vẫn còn tình trạng: chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chưa hợp lý và khả thi. Mặc dù, những quy định này tưởng là “nhỏ” nhưng vì liên quan đến hoạt động hàng ngày, thường xuyên của DN, nên trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho DN.
Vẫn còn tình trạng công văn có chứa các quy phạm pháp luật, vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2018. Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề bất cập của công văn như: nội dung của công văn chưa rõ ràng, chính xác, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa các cơ quan thực thi, hay nội dung của công văn không đủ tin cậy.
"Đây là những vấn đề tác động rất lớn đến hoạt động của DN, và đặt ra tính chịu trách nhiệm của các cơ quan ban hành dạng văn bản này", ông Tuấn đánh giá.
Liên quan đến nội dung không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox, báo cáo của VCCI đã đưa ra một số thách thức, quan ngại trong việc xây dựng sandbox dưới góc nhìn của cộng đồng DN.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một sandbox theo đúng nghĩa, và do đó đang chậm hơn so với thế giới và cả Đông Nam Á trong nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, nguy cơ mỗi bộ, ngành xây dựng sandbox chỉ áp dụng cho riêng lĩnh vực của mình có thể dẫn đến nguy cơ một startup cùng lúc phải tham gia nhiều cơ chế thử nghiệm, tạo ra sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm