Chính sách

Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân

DNVN - Theo quyết định số 72/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tăng tốc hoàn thiện quy hoạch điện VIII / Kiến nghị xây dựng quy trình thủ tục đầu tư đặc biệt theo các bước

Ngày 10/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 72/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Ban Chỉ đạo) để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, liên quan đến công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban Thường trực là Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn. Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có Tổ giúp việc do lãnh đạo Bộ Công Thương làm Tổ trưởng. Thành phần Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo bao gồm các công chức thuộc các bộ, cơ quan liên quan tham gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và các chuyên gia.


Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016.

Theo quyết định, Bộ Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của bộ để thực hiện nhiệm vụ giúp Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổng hợp nội dung và dự thảo kết luận cho các kỳ họp của Ban Chỉ đạo.

Ngày 25/11/2024 vừa qua, Bộ Chính trị và Quốc hội đã ban hành chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 sau 8 năm tạm dừng dự án này nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao trong những năm tới.

Tại hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân” ngày 2/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để phục vụ cho chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân lý Ninh Thuận, nguồn nhân lực kể cả trong ngắn hạn và trong dài hạn phục vụ cho chương trình này là vô cùng cần thiết. Từ việc nghiên cứu, phát triển năng lực hạt nhân cho đến nguồn nhân lực về kỹ thuật để có thể vận hành các dự án điện hạt nhân trên phạm vi cả nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần thiết phải chuẩn bị từ sớm, từ xa nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN), nhân lực kỹ thuật cho chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và đơn vị chức năng của Bộ cần khẩn trương xác định nhu cầu về quy mô, lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo; hoàn thành trong quý I/2025. Đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành Công Thương.

Tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo; nhân lực được đào tạo và người lao động tại các nhà máy điện hạt nhân. Các cơ sở đào tạo chủ động nghiên cứu, rà soát với năng lực của mình và chỉ tiêu đào tạo được giao để đăng ký mở mã ngành đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để triển khai việc đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân.

Tích cực kêu gọi các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài yêu mến Việt Nam tham gia, hỗ trợ quá trình nghiên cứu, đào tạo và hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.

Ngoài ra, chú trọng triển khai các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, phát triển nhân lực về diện hạt nhân để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm