Chính sách

Tín hiệu "mở" để hình thành thêm các dự án nông nghiệp quy mô lớn

DNVN - Về vấn đề “mở rộng hạn điền” trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, đây là một tư duy đúng đắn để đẩy mạnh chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp, hình thành các dự án nông nghiệp quy mô lớn.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần luật hóa định nghĩa “công trình hạ tầng” / Nhiều ý kiến xác đáng đóng góp Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh, trong suốt 25 năm qua, Đảng đã có chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với “mở rộng hạn điền” (hạn điền được hiểu là giới hạn diện tích đất nông nghiệp được phép sử dụng của hộ gia đình, cá nhân - PV).

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, tại nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường “xây dựng chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn”.

Chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Chính sách mở rộng đối tượng và mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp là những nội dung cốt lõi, trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Điều 171 của dự thảo luật đã mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp (quy định hiện nay là không quá 10 lần; tức dự thảo luật tăng thêm 1,5 lần).

Đồng thời giao trách nhiệm cho uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Dự thảo luật cũng quy định hạn mức giao đất nông nghiệp, ví dụ với đất trồng cây hàng năm là không quá 3 ha tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha với tỉnh khác.

Như vậy, một cá nhân có thể nhận chuyển nhượng tối đa 45ha đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; quy mô đủ lớn để yên tâm đầu tư vào sản xuất, áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Ông Đỉnh cho biết, hiện vẫn có một số ý kiến cho rằng cần phải bỏ hẳn “hạn điền”, nếu không việc thực hiện tích tụ ruộng đất sẽ khó được thực hiện. Đây là ý kiến có cơ sở.

Tuy nhiên, theo ông Đỉnh, trước mắt chỉ mở rộng dần “hạn điền” để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, tránh gây xáo trộn, mất ổn định, trước khi tiến tới xóa bỏ hoàn toàn trong lần sửa đổi sau.

Mở rộng "hạn điền” sẽ giúp hình thành các dự án nông nghiệp quy mô lớn.

Điểm rất đáng ghi nhận tại dự thảo luật là quy định mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Luật hiện hành quy định những cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và các tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

“Như vậy, dự thảo đã “mở cửa”, cho phép nhóm đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và các tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn”, ông Đỉnh nói.

Trái với quan điểm lo ngại về việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp đồng thời mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ làm nảy sinh tầng lớp “địa chủ mới”, chiếm dụng đất đai rộng đến mức “cò bay gãy cánh” và đẩy người nông dân vào cảnh “bần cùng”, đặc biệt là không đảm bảo đất sản xuất cho nông dân ở vùng dân tộc thiểu số, ông Đỉnh cho rằng, đề xuất mở rộng hạn mức này đáng hoan nghênh và cần được khuyến khích.

Bởi lẽ, các “địa chủ mới” này sau khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa buộc phải sử dụng đất theo đúng mục đích để trồng lúa, không được chuyển mục đích sang sử dụng cho mục đích khác.

Quan trọng hơn, vẫn là tư liệu sản xuất ấy - tức là thửa đất trồng lúa - nhưng được giao cho người có năng lực tài chính, có khả năng áp dụng khoa học công nghệ, sẽ đẩy mạnh hiệu quả sản xuất.

Nếu muốn chuyển mục đích sử dụng đất, ví dụ chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc sang mục đích phi nông nghiệp, phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các công cụ kiểm soát khác, gồm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng. Tức là, không dễ dàng để gom đất lúa và chuyển sang loại đất có giá trị cao hơn nhằm kiếm lời.

Với chủ thể doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, Điều 49 của dự thảo quy định doanh nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

Như vậy, dự thảo luật đã đề ra công cụ quản lý chặt chẽ khi cho phép mở rộng hạn điền gắn với mở rộng đối tượng được sử dụng đất trồng lúa.

“Mở rộng hạn điền và mở rộng đối tượng sử dụng đất trồng lúa là một tư duy đúng đắn để đẩy mạnh chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp, hình thành các dự án nông nghiệp quy mô lớn từng được các quốc gia áp dụng thành công, tiêu biểu là Israel. Việc sửa đổi Luật Đất đai theo hướng này có thể tạo ra "cuộc cách mạng" đất nông nghiệp cho nước nhà”, ông Đỉnh khẳng định.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm