Chính sách

Truy xuất nguồn gốc gỗ: Cần hợp pháp hóa những diện tích canh tác lâu năm

DNVN - Nhằm minh bạch hóa nguồn đầu vào cho gỗ xuất khẩu, trong dài hạn, cơ quan quản lý cần thực hiện cấp sổ, điều chỉnh sai sót giữa sổ và thực địa, hợp pháp hóa những diện tích canh tác lâu năm.

TP.Hồ Chí Minh: Kho chứa đồ gỗ xuất khẩu của Công ty Đảo Dài cháy rụi / Gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU phải có giấy phép FLEGT

Theo Tổ chức Forest Trends, gỗ rừng trồng của Việt Nam, đặc biệt là nguồn gỗ từ 1,4 triệu hộ gia đình đã trở thành một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành gỗ.

Nguồn cung này hiện chiếm 50-60% trong tổng lượng cung gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước và trực tiếp góp phần vào sự phát triển của hàng nghìn công ty sản xuất đồ gỗ, ván ép, dăm, viên nén có sử dụng gỗ này làm nguyên nguyên liệu đầu vào.

Gỗ rừng trồng trở thành một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành gỗ Việt.

Thông qua các sản phẩm xuất khẩu, nguồn gỗ từ hộ góp phần to lớn trong con số gần 15 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2021. Hiện nguồn gỗ này đang thay thế cho các nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm một phần nguồn gỗ rủi ro có xuất xứ từ các quốc gia nhiệt đới.

Gia tăng sử dụng gỗ rừng trồng trong nước không chỉ làm tăng thu nhập cho các hộ trồng rừng mà còn giúp giảm rủi ro cho ngành, từ đó thúc đẩy ngành phát triển bền vững.

Tuy nhiên hiện nguồn gỗ này đang gặp khó về xác định nguồn gốc, tính hợp pháp của gỗ cũng như trong các giao dịch thuộc chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân xuất phát từ việc diện tích đất nơi gỗ được khai thác còn thiếu các bằng chứng pháp lý xác định hộ bán gỗ có đầy đủ các quyền hợp pháp về đất đai cũng như thiếu bằng chứng pháp lý để xác định các giao dịch trong chuỗi là hợp pháp.

Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh các cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ và về trách nhiệm về thuế trong các khâu trung gian của chuỗi.

“Các cơ chế chính sách mới cần đi theo hướng tập trung kiểm tra giám sát vào các khâu rủi ro trong chuỗi và đơn giản hóa thủ tục tại các khâu ít rủi ro. Cơ chế chính sách mới cũng cần tiệm cận với thực tế hơn, nhằm khuyến khích sự tuân thủ của các bên tham gia”, tổ chức Forest Trends đề xuất.

Giữa tháng 8/2022, Tổng cục Lâm nghiệp dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ, đồng thời xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ban, ngành, hiệp hội liên quan.

TS Tô Xuân Phúc, cố vấn Forest Trend phát biểu tại "Hội thảo Góp ý cho Dự thảo của Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản".

Tại "Hội thảo Góp ý cho Dự thảo của Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản" ngày 16/9, TS Tô Xuân Phúc, cố vấn Forest Trend kiến nghị khi xác minh nguồn gốc gỗ, chính quyền địa phương cần xác nhận tính hợp pháp của chủ hộ dựa trên các diện tích đất trồng trong ngắn hạn.

“Trong dài hạn, cơ quan quản lý cần thực hiện cấp sổ, điều chỉnh sai sót giữa sổ và thực địa, và hợp pháp hóa những diện tích canh tác lâu năm. Đây không chỉ đơn thuần là việc của chủ rừng, mà còn là minh bạch hóa nguồn đầu vào cho một ngành xuất khẩu tỷ USD", ông Phúc nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm