Hỗ trợ doanh nghiệp

Bình Dương: Ngành gỗ xuất khẩu tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021

DNVN – Theo Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, gây ảnh hưởng mạnh đến hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới, trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Tuy nhiên, nhờ doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi phương thức giao dịch, nên ngành gỗ xuất khẩu của tỉnh vẫn phát triển khả quan.

Bình Dương: Dành hơn 9.000 tỷ đầu tư công để kích cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương / Bình Dương: Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kết quả cao

Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ toàn tỉnh ước đạt hơn 3.551 triệu USD, tăng 61,4% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng trong tháng 6, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 654,3 triệu USD, tăng 4,1% so với tháng trước.

Với giá trị tương đương 20,6% tổng giá trị xuất khẩu cả tỉnh, ngành sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ của Bình Dương đang chiếm giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Ngành gỗ xuất khẩu của tỉnh Bình Dương vẫn phát triển khả quan dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu.

Ngành gỗ xuất khẩu tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, vẫn phát triển khả quan dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu.

Cũng theo BIFA, hiện nay, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp gỗ Bình Dương đang tăng mạnh. Trong đó, Mỹ chiếm 65,03%, tăng 81,4% so cùng kỳ; Hồng Kông chiếm 8,5%, tăng 47,5%; Đài Loan chiếm 5,6%, tăng 43,1%; EU chiếm 4,9%, tăng 53,495%; Nhật Bản chiếm 3,5%, tăng 46,8%; Singapore chiếm 2,3%, tăng 35,8%...

Đặc biệt, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, ngành gỗ Việt Nam kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ tại các nước trong khối EU.

Theo bà Trần Thị Xuyến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, vào thời điểm này năm ngoái, nếu như các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là về đơn hàng. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, các nhà nhập khẩu nước ngoài đặt hàng vượt trội hơn năm ngoái khoảng 30%.

“Để đáp ứng kịp thời các đơn hàng, công ty đã sắp xếp để công nhân làm tăng ca, làm việc cả thứ Ba và Chủ Nhật. Tuy nhiên, luôn khuyến cáo người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, mỗi công nhân giữ khoảng cách tối thiểu 2m, làm việc riêng lẻ, tránh tiếp xúc lẫn nhau trong quá trình làm việc…”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, cho biết.

 

Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch BIFA cho biết, dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu gây ảnh hưởng mạnh đến hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới, trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Thế nhưng, nhờ doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi phương thức giao dịch phù hợp, nên vẫn giữ đà tăng trưởng tốt.

“Hiện nay, không ít doanh nghiệp ngành gỗ tại các khu công nghiệp ở Bình Dương đang thuê thêm đất mở xưởng để kịp đáp ứng các đơn hàng chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc khi nước này đang phải chịu thuế suất 25% từ Mỹ”, Chủ tịch BIFA Điền Quang Hiệp cho biết thêm.

Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,96 tỷ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng vẫn đang ngập trong khó khăn.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồ gỗ với thị trường trải rộng khắp 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thị trường đồ gỗ, nội thất của thế giới còn rất nhiều dư địa phát triển. Hiện, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần, còn đến hơn 90% thị phần để ngành gỗ Việt Nam tiếp cận, chiếm lĩnh.

Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm