Chính sách

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ khó khăn

DNVN - Ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) bày tỏ mong muốn Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những tồn tại từ nhiều năm nay và đề xuất cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho Ủy ban.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Chúng tôi rất trăn trở việc phát triển DNNN thế nào cho hiệu quả?" / Đề xuất 7 doanh nghiệp tham gia Đề án phát triển DNNN quy mô lớn

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) cho biết, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ. Ủy ban được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Ủy ban hiện được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật. Đây là mô hình mới và không có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam.

Trên thế giới hiện nay chỉ có Trung Quốc có mô hình tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình của Ủy ban hiện nay so với Trung Quốc còn quá nhỏ về vốn, cơ cấu và quản lý doanh nghiệp. Chỉ tính riêng 1 tỉnh của Trung Quốc có tới 50 doanh nghiệp lớn. Tập đoàn điện lực của Trung Quốc gấp khoảng 100 lần so với Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Singapore có 1 tập đoàn của nhà nước, tuy nhiên cơ cấu tổ chức và cách thức triển khai của mô hình hoàn toàn khác Việt Nam. Do vậy, mô hình của Ủy ban là đặc thù

Ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Hà Anh.

“Tại Việt Nam, ngoài việc quản lý vốn, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Ủy ban rất nặng nề. Ủy ban chỉ được quản lý doanh nghiệp nhưng không được đưa ra cơ chế chính sách cho doanh nghiệp và không được đưa ra các chính sách pháp luật. Điều này dẫn đến việc Ủy ban mong muốn sửa điều lệ của một doanh nghiệp thì phải trình sang bộ”, ông Sơn cho biết.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban nêu ví dụ, muốn sửa điều lệ của một doanh nghiệp ngành về kết cấu hạ tầng thì phải trình sang Bộ Giao thông Vận tải. Do vậy, tiếng nói của Ủy ban bị hạn chế rất nhiều. Những công cụ mà Ủy ban muốn đưa vào quản lý doanh nghiệp theo đúng chức năng nhiệm vụ thì phải trình sang các bộ khác.

Bên cạnh đó, Chủ tịch của Ủy ban cũng không phải là thành viên của Chính phủ. Tiếng nói của Ủy ban gửi sang bên bộ, bộ có tiếp thu hay không là quyền của bộ. Ủy ban là đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các dự án yếu kém nhưng các báo cáo trình Bộ Chính trị của Ủy ban đều phải thông qua Chính phủ. Bộ Công Thương sẽ thay mặt thành viên Chính phủ để ký văn bản này.

Hoạt động củaỦy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệpcòn gặp nhiều khó khăn.

“Cơ quan đại diện quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà lại bị hạn chế quyền lợi như vậy là rất khó khăn đối với Ủy ban. Chúng tôi cho rằng cần thể chế hóa, hoàn thiện Ủy ban trong thời gian sớm nhất”, ông Sơn nói.

Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao thực hiện sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để trình Quốc hội sớm ban hành. Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc trình dự án sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội tới là khó khăn, phải đợi tới năm 2024.

“Chúng tôi mong Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những tồn tại từ nhiều năm nay, đến bây giờ Ủy ban vẫn phải giải quyết. Đồng thời, phân cấp phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho Ủy ban. Đặc biệt là sớm sửa Luật số 69/2014/QH13 và Nghị định số 151/2013/NÐ-CP ngày 1/11/2-13 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước”, ông Sơn đề xuất.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm