Chính sách

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Thiếu nguồn đầu tư đủ tầm, nguồn nhân lực chất lượng cao

DNVN - Phát biểu tại Hội thảo “Nghiên cứu khả năng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở Vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh chuyển đổi số” sáng 27/10, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM nhấn mạnh khu vực này thiếu nguồn đầu tư đủ tầm và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cần Thơ: Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái để xuất khẩu / M&A thành công, Vinamilk có bước tiến lớn trong phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi

Liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giúp chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số. Trên cơ sở đó, cần tạo cơ chế tăng cường khả năng liên kết vùng, kết nối giữa các doanh nghiệp trong vùng.

Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (Vùng) tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bước đầu được triển khai có hiệu quả. Nhóm chính sách Vùng và chỉ tiêu kinh tế - xã hội đang ngày càng được bổ sung, hoàn thiện.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM cho rằng Vùng có nhiều tiềm năng nhưng
chưa được khai thác và phát triển xứng tầm.

Tuy nhiên, theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đây là một vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước với thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ cấu kinh tế chưa hiện đại và chuyển dịch chậm.

Sự phát triển của địa phương chưa đồng đều, giao thông đi lại khó khăn và ngày càng chênh lệch về trình độ phát triển so với các vùng còn lại trong cả nước. Trong khi, Vùng lại có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và phát triển xứng tầm.

“Chính vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung và liên kết vùng nói riêng có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với Vùng”, bà Minh nói.

Phân tích cụ thể hơn về bức tranh kinh tế - xã hội của Vùng, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM cho rằng, tính đến cuối năm 2021, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở Vùng chỉ chiếm 4,3% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Đầu tư nước ngoài (FDI) vào Vùng còn rất hạn chế, lũy kế đến cuối năm 2021, các dự án FDI còn hiệu lực của Vùng chỉ chiếm 3,4% tổng số dự án FDI cả nước.

Điều này cho thấy, cơ chế phân cấp quản lý kinh tế, ngân sách và đầu tư theo dõi, giám sát quá trình tổ chức xây dựng và thực hiện chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán.

Toàn Vùng vẫn thiếu nguồn đầu tư đủ tầm, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cho Vùng trên cơ sở tính đặc thù của các văn bản pháp luật chưa rõ ràng.

“Toàn Vùng vẫn thiếu nguồn đầu tư đủ tầm, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như hệ thống hạ tầng, nhất là về giao thông. Quy hoạch định hướng phát triển cho vùng trên cơ sở tính đặc thù của các địa phương trong Vùng còn hạn chế. Trong khi, phân cấp thực hiện chưa rõ ràng, nguồn lực để đảm bảo xây dựng, điều chỉnh và theo dõi, giám sát các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội ở địa phương còn khó khăn”, ông Dương nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng, ông Dương khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho phát huy lợi thế so sánh của cả vùng và từng địa phương trong vùng.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, bao gồm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thống kê; thử nghiệm xây dựng và giao chỉ tiêu ở cấp vùng, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu cấp vùng theo từng năm, gắn với các nhiệm vụ cụ thể được hội đồng điều phối vùng trực tiếp điều hành và theo dõi.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin thống kê, theo dõi, đánh giá thực hiện.

Ngoài ra, cần thực hiện phân cấp, đổi mới trên các lĩnh vực liên quan đến lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng; hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nghiên cứu điều chỉnh chế độ thống kê và chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhằm thích ứng với xu hướng mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm