Chờ sự 'bùng nổ' vốn FDI trong năm 2021
697 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Đài Loan / Cục Xúc tiến thương mại kêu gọi doanh nghiệp tài trợ mua nông sản Hải Dương để cung cấp miễn phí cho các cơ sở xã hội
Theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/2/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tín hiệu lạc quan đến từ các dự án tỷ USD
Điều này đặt ra lo ngại về việc vốn FDI có chảy vào Việt Nam như dự báo hay không? Tuy nhiên, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT lại tỏ ra lạc quan khi cho rằng, những kết quả thu hút FDI trong 2 tháng qua dù chưa chấm dứt được đà suy giảm nhưng đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Thu hút FDI đạt 5,46 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2021. |
Ông dẫn chứng, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần trong 2 tháng đầu năm 2021 chỉ giảm 15,6% so với cùng kỳ, tốt hơn nhiều so với mức giảm 62,2% của tháng 1/2021.
Đồng thời, trong 2 tháng, vốn đầu tư đăng ký mới chỉ còn giảm 33,9% so với cùng kỳ, cải thiện đáng kể so với mức giảm 70,3% của tháng 1/2021. Đặc biệt, vốn đầu tư tăng thêm đã đạt 1,61 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Có lẽ, sự lạc quan của ông Hoàng không phải không có cơ sở khi chỉ trong 2 tháng đầu năm đã có một số dự án "khủng" vào Việt Nam. Cụ thể, dự án nhiệt điện Ô Môn II, công suất thiết kế 1.050 MW, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD của liên danh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án trên là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Ô Môn (TP.Cần Thơ), dự kiến vận hành năm 2026.
Một dự án khác cũng được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngay trong những ngày đầu tháng 2/2021 là dự án tăng vốn thêm 750 triệu USD của LG Display. Như vậy, sau 4 lần điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn mà LG Display "đổ" vào Hải Phòng đã lên tới 3,25 tỷ USD và trở thành dự án FDI lớn nhất tại địa phương này. Theo kế hoạch, ngay sau khi được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, LG Display sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng, lắp đặt phần mở rộng và dự kiến đến tháng 5/2021 có thể bắt đầu đi vào sản xuất.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, Tập đoàn AVG Capital Partners (Liên bang Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp Chế biến thịt lợn tại tỉnh này. Quy mô dự án không khỏi khiến dư luận bất ngờ, bởi tổng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD...
Sẽ còn có nhiều 'đại bàng' khác đến?
Trong thời gian tới, các chuyên gia đánh giá việc nhà đầu tư xem xét, quyết định có hay không đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp diễn, đặc biệt sau khi dịch COVID-19 được khống chế, nền kinh tế mở cửa hoàn toàn.
Do vậy, vấn đề của Việt Nam là làm sao chuẩn bị tốt nhất những điều kiện để thu hút FDI. Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đã đến lúc cần chuẩn bị một môi trường, hệ sinh thái để tận dụng được tốt nhất cơ hội khi các tập đoàn nước ngoài vào.
Đơn cử từ việc chuẩn bị lao động chất lượng cao để hấp thụ những tập đoàn tốt. Đồng thời, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. "Làm sao phải tận dụng FDI để chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thay vì việc người ta chỉ thuê đất, lao động của mình và trả một ít tiền. Còn chúng ta vẫn đảm nhiệm những khâu thấp của chuỗi giá trị, doanh nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài hoặc ở nấc thang thấp", ông Thiên nói, đồng thờinhấn mạnh cần chuẩn bị môi trường thể chế để nhà đầu tư tốt yên tâm đầu tư. Nếu không có thể chế tốt thì chỉ dễ thu hút những nhà đầu tư không tốt, kiếm chác...
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhắc lại nhận định của ông Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về những bài học của các nền kinh tế Đông Á thành công là cần hướng mạnh đầu tư của khu vực công và tư vào nền tảng sản xuất, không dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài. Việt Nam là nước có tỷ lệ phụ thuộc đầu tư nước ngoài nhưng đầu tư nước ngoài phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.
Do vậy, bà Lan khuyến nghị: Việt Nam muốn tiến lên chuỗi giá trị cao hơn thì cần cải thiện năng suất lao động thông qua việc giáo dục tốt hơn và đào tạo nghề nghiệp được thiết kế phù hợp hơn.
Lấy ví dụ từ sự thành công của Hàn Quốc, bà Lan cho rằng họ có cách tiếp cận đúng đắn hơn, đó là phát triển bộ phận doanh nghiệp dân tộc đủ lớn, sau đó bắt tay với các doanh nghiệp FDI để cùng phát triển.
“Cách làm của Hàn Quốc đưa đất nước phát triển là học hỏi các nước lớn, về vận dụng để phát triển các doanh nghiệp dân tộc. Khi nào doanh nghiệp trong nước đủ trình độ tiếp nhận công nghệ thì mới đẩy manh thu hút FDI”, bà dẫn chứng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024