Thị trường

Chủ tịch Vietravel: Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán thời gian nghỉ hè từ 4-5 tuần để thúc đẩy du lịch

DNVN - Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Việc Chính phủ quyết định cho phép mở cửa các hoạt động du lịch trong nước trở lại là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ trong giai đoạn này với ngành du lịch vừa có nhiều cơ hội nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều rủi ro.

Tình hình điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng: Xem xét ghép phổi cho bệnh nhân 91 / Tổng thống Donald Trump sẵn sàng tặng máy thở cho Việt Nam chống dịch Covid-19

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra vào sáng 9/5, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel đề xuất các kiến nghị để tháo gỡ tình hình khó khăn của các công ty du lịch lữ hành do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, bên cạnh những kiến nghị về thuế, mở cửa thị trường hàng không, truyền thông, Chủ tịch Vietravel còn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tính toán thời gian học phù hợp, để có thể đẩy thời gian nghỉ hè lên từ 4 đến 5 tuần vào khoảng giữa tháng 8 và tháng 9 tạo điều kiện thúc đẩy cho du lịch phát triển.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Việc Chính phủ quyết định cho phép mở cửa các hoạt động du lịch trong nước trở lại là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng theo ông trong giai đoạn này với ngành du lịch vừa có nhiều cơ hội, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều rủi ro.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel

Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel.

Chủ tịch Vietravel đã kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể:

Thứ nhất,đề nghị Chính phủ tận dụng cơ hội này triển khai chiến dịch truyền thông “Việt Nam điểm đến an toàn” để xúc tiến quảng bá lôi kéo khách du lịch. "Nếu làm tốt được việc này thì các thị trường du lịch đang chuyển giai đoạn và có sự hồi phục sẽ có nguồn khách du lịch tiềm năng vào Việt Nam ngay trong quý IV/2020 từ các nước: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hàn Quốc Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông", ông Kỳ nhận định.

Cũng theo ông Kỳ, trước mắt cần tập trung vào thị trường trong nước để giữ vững hệ thống và nhân sự phục vụ cho ngành du lịch. Ông cũng đề nghị các cơ quan quản lý nghiên cứu áp dụng giảm 50% chi phí tham quan di tích danh lam thắng cảnh nhà nước đang quản lý. Việc này nhằm tạo cú hích đưa khách du lịch đến các khu vực này

Thứ hai,đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chọn lọc mở lại các đường bay trong nước. Bởi vì du lịch chỉ phát triển được khi hàng không mở lại vì 85% du lịch di chuyển bằng đường hàng không.

Thứ ba, Chính phủ cần nghiên cứu các đề xuất mở lại có chọn lọc các thị trường quốc tế như: Đông Nam Á, Đông Bắc Á…

Thứ tư, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho ngành du lịch tiếp cận các gói tài trợ mà Chính phủ đưa ra. Với người lao động thì gói bảo hiểm có thể đưa về trực tiếp đầu mối là các chủ doanh nghiệp để triển khai trực tiếp cho người lao động. Tránh việc đưa về cho địa phương sẽ gây khó khăn để gói hỗ trợ có thể đến được tận tay người lao động.

Thứ năm,đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng giảm thuế cho ngành du lịch. Cụ thể là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT xuống 5% và 10% trong 1 năm giúp để giúp các doanh nghiệp du lịch có thể sớm phục hồi.

Thứ sáu,đề nghị Chính phủ áp dụng chính sách giá điện sản xuất cho ngành du lịch trong vòng một năm sau đó xem xét, đánh giá lại kết quả thực tế triển khai.

Thứ bảy,đề nghị Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng địa phương đứng ra làm trung gian kết chuyển khoản nợ, để các công ty lữ hành có thể có khả năng nhận lại nguồn tiền đã đóng trước cho các công ty hàng không để có thể duy trì hoạt động doanh nghiệp, mở rộng thị trường..

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm