Chưa có quy định rõ ràng xác định tỷ lệ hàng hóa được coi là xuất xứ Việt Nam
DNVN - Hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc xác định tỷ lệ hàng hóa như thế nào thì được coi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, Bộ Công Thương đang soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương vào chiều 04/7 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì, việc Asanzo có hành vi thay đổi, bóc nhãn mác "Made in China" và gắn mác "Made in Vietnam" được báo chí quan tâm. Trả lời câu hỏi có phải do những quy định về gắn nhãn mác hàng Việt hiện nay chưa có, khiến cho doanh nghiệp lợi dụng để gắn nhãn mác, xuất xứ là hàng Việt, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Công ty Asanzo nhập khẩu cụm linh kiện tại Trung Quốc có xuất xứ Trung Quốc, lắp lại thành sản phẩm và gắn nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối phối hợp các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương kiểm tra xử lý và báo cáo Chính phủ. Hiện Bộ Công Thương đang tích cực và làm việc hết sức trách nhiệm và phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin chi tiết hơn về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể nào về việc thế nào là hàng hóa sản phẩm của Việt Nam, thế nào là hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43 ban hành năm 2017 của Chính phủ. Nghị định này quy định bắt buộc mọi hàng hoá lưu hành tại Việt Nam đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc như tên nhà sản xuất, tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm lưu thông hàng hóa và xuất xứ hàng hoá...
Điều 15 nghị định này quy định: các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hoá có trách nhiệm tự xác định thông tin để đưa lên nhãn hàng hoá. Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thương mại (FTA) khác nhau. Các Hiệp định này có các quy định về hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa.
Ông Trần Thanh Hải lấy ví dụ, Việt Nam đang tham gia Khu vực tự do thương mại ASEAN. Để cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D lưu hành trong thị trường ASEAN thì hàng hóa phải đáp ứng tỷ lệ 40% hàng hóa được sản xuất trong ASEAN chứ không phải sản xuất trong Việt Nam. Điều này có nghĩa một sản phẩm có thể có 10% Thái Lan, 10% Indonesia, 15% Malaysia và chỉ 5% của Việt Nam. Và chúng ta vẫn sẽ phải cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ mẫu D.
"Như vậy, chúng ta vẫn chưa có 1 quy định rõ ràng về việc xác định tỷ lệ hàng hóa như thế nào thì được coi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, Bộ Công Thương đang soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nêu.
Ông Hải cho biết thêm, văn bản này dự kiến ở cấp Thông tư, do Bộ Công Thương ban hành. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến rộng rãi các Hiệp hội, doanh nghiệp người tiêu dùng để được sát thực với thực tế và ngăn chặn được tình trạng gian lận thương mại như vừa qua.
Nguyệt Minh (Tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo