Chứng khoán

Đề xuất thu thuế cổ tức bằng cổ phiếu ngay khi nhận: VCCI lo ngại tác động tiêu cực kép

DNVN - Theo VCCI, nếu đề xuất thay đổi thời điểm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cổ tức bằng chứng khoán được thông qua sẽ gây áp lực tài chính cho nhà đầu tư, làm suy giảm động lực đầu tư dài hạn và tước đi nguồn vốn tái đầu tư quan trọng của doanh nghiệp.

Giải quyết vướng mắc về điện năng lượng tái tạo: Tránh gây rối loạn môi trường đầu tư / VCCI: Không nên 'lồng giấy phép' trong quản lý kinh doanh vàng

Nhà đầu tư "chưa thấy tiền đã phải nộp thuế"

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Một trong những nội dung chính là đề xuất các sửa đổi, bổ sung liên quan đến trả cổ tức, trả thưởng bằng chứng khoán.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất thuế thu nhập cá nhân phải được khấu trừ, kê khai và nộp ngay tại thời điểm nhận cổ tức, thưởng bằng chứng khoán, thay vì đợi đến khi bán chứng khoán. Tổ chức phát hành có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế cho cá nhân.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)đã phân tích kỹ những tác động bất lợi từ quy định yêu cầu khấu trừ thuế TNCN ngay tại thời điểm doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo VCCI, hiện tại, thuế TNCN chỉ phát sinh khi nhà đầu tư bán số cổ phiếu này và thực sự ghi nhận thu nhập. Tuy nhiên, dự thảo mới đề xuất thay đổi theo hướng thu thuế ngay khi cổ đông nhận cổ phiếu, dù họ chưa nhận được bất kỳ khoản tiền mặt nào.


VCCI bày tỏ quan ngại về đề xuất thay đổi thời điểm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cổ tức bằng chứng khoán.

VCCI nhấn mạnh, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu về bản chất không tạo ra thu nhập thực tế cho cổ đông tại thời điểm nhận. Đây thực chất chỉ là một nghiệp vụ kỹ thuật làm thay đổi cấu trúc vốn, tăng số lượng cổ phiếu lưu hành nhưng tổng giá trị tài sản của cổ đông không hề thay đổi.

Để làm rõ vấn đề, VCCI đưa ra ví dụ cụ thể: Một nhà đầu tư sở hữu 100.000 cổ phiếu giá 30.000 đồng/cổ phiếu (tổng tài sản 3 tỷ đồng). Khi doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 2:1, nhà đầu tư nhận thêm 50.000 cổ phiếu. Ngay lập tức, giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm xuống còn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, tổng tài sản của nhà đầu tư vẫn là 3 tỷ đồng (150.000 cổ phiếu x 20.000 đồng). Họ không có thêm đồng thu nhập nào, nhưng theo dự thảo mới, họ sẽ phải nộp ngay khoản thuế TNCN lên tới 25 triệu đồng.

Quy định này, theo VCCI, sẽ tạo ra áp lực tài chính và rủi ro thanh khoản rất lớn cho nhà đầu tư, từ các quỹ lớn đến những người dân nhỏ lẻ. Họ buộc phải tìm nguồn tiền khác hoặc bán bớt cổ phiếu để có tiền nộp thuế, đi ngược lại tinh thần đầu tư dài hạn. Điều này làm suy giảm nghiêm trọng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

Doanh nghiệp mất đi công cụ giữ vốn để tái đầu tư

Không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư, VCCI cho rằng, đề xuất này còn tác động trực tiếp đến sức khỏe của doanh nghiệp. Theo phân tích của VCCI, chia cổ tức bằng cổ phiếu là một giải pháp “vẹn cả đôi đường”, vừa giúp doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm quyền lợi cho cổ đông.

Hình thức này khuyến khích nhà đầu tư gắn bó lâu dài, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp làm ăn có lãi, giá cổ phiếu tăng lên, nhà đầu tư mới thực sự có lợi nhuận. Đây chính là cách nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nếu quy định thu thuế ngay được áp dụng, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ trở nên kém hấp dẫn. Nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi: "Tại sao phải nhận cổ phiếu và chịu rủi ro trong tương lai, trong khi nhận cổ tức bằng tiền mặt có thể thu tiền ngay và có sẵn nguồn để nộp thuế?". Điều này sẽ làm mất đi một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp huy động vốn cho tăng trưởng.

VCCI dẫn số liệu từ cơ quan thuế cho thấy, từ năm 2016 đến 2024, số thuế TNCN thực thu từ cổ tức bằng chứng khoán (khi nhà đầu tư bán ra) là khoảng 1.318 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu áp dụng cách thu ngay tại thời điểm chia, con số ước tính có thể lên tới 17.420 tỷ đồng.

Sự chênh lệch hơn 16.000 tỷ đồng này cho thấy phần lớn nhà đầu tư đã chọn nắm giữ cổ phiếu lâu dài.

"Số tiền thuế 'chưa thu' này thực chất đang nằm trong các doanh nghiệp, trở thành nguồn vốn quan trọng để tái đầu tư, tạo ra việc làm và đóng góp vào tăng trưởng GDP", VCCI lập luận. Nếu buộc thu ngay, dòng vốn này có nguy cơ bị rút ra khỏi hoạt động sản xuất, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng và giữ nguyên quy định hiện hành, tức là chỉ khấu trừ thuế TNCN khi nhà đầu tư thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu. Điều này không chỉ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư mà còn góp phần nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong dài hạn.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm