Chứng khoán

Lạc quan VN-Index có thể đạt 1.450 điểm trong năm 2024

DNVN - Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.450 điểm.

CPI 7 tháng tăng 2,54% / Đà Nẵng: Giá thực phẩm tăng mạnh đẩy chỉ số CPI tháng 10

Phát biểu khai mạc hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024” sáng ngày 4/1, PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.

Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được những kết quả tích cực.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hà Anh.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm sẽ tăng khoảng 3%, trong bối cảnh kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại. Giá dầu khó tăng mạnh.

Cùng với đó, năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng, xuất khẩu tăng trưởng ở mức vừa phải. Các điều kiện tiền tệ đang ở mức trung tính và sẽ không khiến giá cả tăng đột biến trong năm 2024. Áp lực lạm phát từ yếu tố tỷ giá tăng trong năm 2024 sẽ không lớn khi USD đang trong xu hướng giảm giá.

Bổ sung thêm dự báo thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, biện pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ được tăng cường, PGS, TS Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế -Tài chính dự báo CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,2%-3,5%.

Đối với thị trường bất động sản, TS Vũ Đình Ánh đánh giá, sự thiếu lành mạnh về pháp lý và tài chính là căn nguyên khiến cho thị trường phát triển thiếu cân đối. Nhiều sản phẩm bất động sản ngày càng xa rời nhu cầu sử dụng thực có khả năng thanh toán của toàn xã hội mà chuyển sang đáp ứng nhu cầu đầu cơ, tích trữ, thậm chí tiếp tay cho rửa tiền.

Do đó, lành mạnh hóa cơ cấu sản phẩm bất động sản không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế, tài chính mà còn giải quyết vấn đề xã hội bức xúc cả trước mắt cũng như trong trung và dài hạn.

Năm 2024, dự báo giá cả không tăng đột biến.

Nhận định về một số điểm sáng trong thị trường năm 2024, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ. Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phục hồi, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.450 điểm. Thị trường thép có thể phục hồi khi có những tín hiệu khả quan từ những chính sách khai thông thị trường bất động sản và nền kinh tế.

Cùng với đó, điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã và đang trở thành xu thế tất yếu, định hướng mới của ngành năng lượng Việt Nam. Đẩy mạnh sử dụng điện LNG là cơ sở để chuyển đổi năng lượng sạch từ than sang khí, giải bài toán thiếu điện và bảo vệ môi trường và thực hiện theo Quy hoạch điện VIII.

Năm 2024, có nhiều cơ hội đang chờ đón ngành phân bón Việt Nam. Nếu những yếu tố thuận lợi hội tụ, thị trường bất động sản sẽ chuyển động vào cuối năm.

Đặc biệt đánh giá cao thành quả đạt được của ngành lúa gạo Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân khuyến nghị, năm 2024 cần đột phá chiến lược mô hình phát triển công nghiệp lúa gạo theo hướng công nghiệp hóa. Đây là nền tảng để Việt Nam tự tin thực hiện đột phá chiến lược mô hình phát triển ngành lúa gạo chuyển đến trạng thái phát triển mới về chất.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm