Chứng khoán

Mắc nhiều sai phạm về công bố thông tin, VNG bị xử phạt

DNVN - Tổng số tiền phạt với Công ty cổ phần VNG (mã chứng khoán: VNZ) là 157,5 triệu đồng do công ty này mắc nhiều sai phạm về công bố thông tin theo quy định.

Kinh doanh bết bát 3 năm liền, cổ phiếu HNG bị hủy niêm yết bắt buộc / Vừa báo lãi đạt đỉnh, HBC nhận tin xấu

Ngày 2/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 301 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần VNG (mã chứng khoán VNZ). Công ty này có địa chỉ tại Z06 đường số 13, phường Tân Thuận Đông, Qquận 7, TP Hồ Chí Minh.

Theo Quyết định số 301, VNG bị phạt 92,5 triệu đồng do không công bố thông tin (CBTT) trên Hệ thống CBTT của UBCKNN, trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và của Công ty tài liệu sau: Nghị quyết Hội đồng quản trị số 10/2022/NQ-HĐQT ngày 8/9/2022 thông qua việc thế chấp tài sản của công ty để bảo đảm nghĩa vụ nợ của Công ty cổ phần Công nghệ Big V (là cổ đông lớn và là bên liên quan)); CBTT không đúng thời hạn trên Hệ thống CBTT của UBCKNN, trang thông tin điện tử của HNX và của công ty đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2023);

Cũng theo quyết định của UBCKNN, VNG bị phạt 65 triệu đồng do có hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.


VNG nhận tin xử phạt sau khi báo lỗ hơn 1.400 tỷ đồng trong quý II/2024.

Trong năm 2022 và năm 2023, VNG có phát sinh giao dịch với bên liên quan là Công ty cổ phần công nghệ Big V. Cụ thể VNG đã sử dụng tài khoản tiền gửi của Công ty cổ phần VNG mở tại Citibank - chi nhánh Hà Nội để bảo đảm cho khoản vay của cổ đông lớn của Công ty cổ phần VNG là Công ty cổ phần Công nghệ Big V tại Ngân hàng Citibank - chi nhánh Singapore. Tuy nhiên, tại các báo cáo tài chính năm 2022 và năm 2023 đã kiểm toán, VNG không trình bày đầy đủ giao dịch với bên liên quan này.

Với những sai phạm trên, tổng số tiền phạt với VNG là 157,5 triệu đồng.

Công ty Cổ phần VNG được thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ ngày 9/9/2004. Từ một công ty chuyên về trò chơi trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam (với tên gọi ban đầu là VinaGame), đến nay, VNG được đánh giá là một trong những công ty công nghệ, giải trí, dịch vụ internet, dịch vụ tài chính, sản xuất phần mềm hàng đầu tại Việt Nam. Hiện nay, VNG có hơn 3.800 nhân viên đang làm việc tại 10 thành phố trên toàn cầu.

Tuy vậy, báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, VNG lỗ sau thuế 1.464 tỷ đồng, tăng 553% so với cùng kỳ năm 2023 (lỗ 224 tỷ đồng).

Theo giải trình của VNG, lỗ sau thuế quý II năm nay trên báo cáo tài chính riêng tăng so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu ảnh hưởng từ việc khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào công ty con và công ty liên kết đã tăng 1.265 tỷ đồng so với báo cáo tài chính riêng cùng kỳ năm 2023.

Quý II/2024 công ty tiếp tục lỗ sau thuế do công ty tiếp tục phát hành sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược và đầu tư mở rộng.

Cổ phiếu VNZ của VNG được chính thức giao dịch tại thị trường UPCoM từ ngày 5/1/2023. Cổ phiếu này đã hai lần bị hạn chế giao dịch theo quyết định của HNX vào tháng 5 và tháng 10/2023. Nguyên nhân là do VNG chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra hồi tháng 6, ông Lê Hồng Minh - Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc VNG cho biết sẽ dồn lực phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và mở rộng mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài.

“VNG sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu trở thành công ty công nghệ toàn cầu xuất phát từ Việt Nam. Chúng tôi hướng tới thị trường toàn cầu và kiên trì đầu tư cho hạ tầng, nền tảng, năng lực lõi để bắt kịp những làn sóng công nghệ mới nhất”, ông Lê Hồng Minh nhấn mạnh.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm