Thị trường

Chung tay hồi sinh tơ tằm xứ Quảng

Quảng Nam được xem là cái nôi của nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Với hàng trăm năm tồn tại, trải qua nhiều thăng trầm, giờ đây, tỉnh Quảng Nam đang tìm giải pháp để hồi sinh, đưa những vườn dâu dọc bãi bồi ven sông Vu Gia - Thu Bồn trở lại màu xanh mướt.

Xuất khẩu lâm sản tháng 1 tăng 11% / Các loại hoa kiểng mini hút thị trường Đà Lạt


Ven sông Thu Bồn, những nương dâu đang được trồng trở lại. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Thuở xưa, xứ Quảng nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề ươm tơ dệt lụa, điển hình như lụa Mã Châu ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Từ thương cảng Hội An, lụa theo chân các thương lái đi khắp năm châu, bốn bể.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, trong thời kỳ hưng thịnh của nghề, đến làng Mã Châu đâu đâu cũng nghe những âm thanh dệt lụa với hơn 4.000 khung cửi đưa thoi đêm ngày.

Có thời điểm Quảng Nam có đến hơn 2.000 ha trồng dâu trải dài ven sông Thu Bồn, nhưng hiện tại chỉ còn 11 ha, tập trung tại một số xã của huyện Duy Xuyên như: Duy Hòa, Duy Châu, thị trấn Nam Phước, Duy Trinh với khoảng 30 hộ trồng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến nghề trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa ở Quảng Nam mai một là do nghề không mang lại thu nhập tương xứng nên người nông dân chuyển dần sang nghề khác. Bên cạnh đó, sự xuất hiện tràn lan sản phẩm lụa pha trộn sợi cotton có giá thành rẻ cũng là tác nhân “giết chết” sản phẩm truyền thống.

Yếu tố quyết định để khôi phục và phát triển nghề là phải tạo sự ổn định về đầu ra của sản phẩm; trồng dâu, nuôi tằm phải có lãi hơn so với các cây trồng khác. Do đó địa phương cần đẩy mạnh kêu gọi, thu hút doanh nghiệpđầu tư, tăng kết nối với hộ nông dân để phát triển vùng nguyên liệu dâu, kết hợp với phục vụ du lịch.


Nghệ nhân xứ Quảng tâm huyết với nghề ươm tơ dệt lụa. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đưa nương dâu trở lại xanh mướt

Là người nặng lòng với nghề truyền thống quê hương, ông Lê Thái Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam đã quyết tâm phục dựng nghề trồng dâu, nuôi tằm.

“Dẫu cuộc sống có hiện đại đến bao nhiêu thì lụa vẫn có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Chiếc khăn, cái áo yếm hay chiếc áo dài… của người phụ nữ Việt Nam sẽ đẹp hơn khi làm từ lụa. Là một người con của quê hương có nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa, tôi muốn mọi phụ nữ đều đẹp hơn khi được sử dụng sản phẩm làm ra từ lụa tơ tằm nguyên chất của Việt Nam”, ông Vũ chia sẻ.

Tình yêu quê hương và tâm huyết thôi thúc ông Vũ phục dựng lại “bảo tàng sống” về lụa với hầu như tất cả công đoạn làm lụa truyền thống tại Làng lụa Hội An. Bên cạnh tìm lại những nghệ nhân chuyên trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, doanh nghiệp ông Vũ cũng đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam khảo sát vùng nguyên liệu tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn hướng đến mục tiêu phục hồi 150 ha dâu ven sông Thu Bồn.

“Hơn 5 ha dâu đã được trồng mới ở gò Nổi, Điện Quang với nhiều giống mới cho năng suất cao cũng như công thức nuôi tằm hiện đại. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng sẽ chịu trách nhiệm đầu ra. Do đó, tôi tin tưởng triển vọng phục hồi nghề này là rất lớn”, ông Vũ cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, cũng cho rằng: Đây là thời điểm thuận lợi để Quảng Nam phục hưng nghề trồng dâu nuôi tằm vì thị trường hiện có những tín hiệu tốt, có sự tham gia của một số doanh nghiệp cũng như khả năng kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới trong việc đưa sản phẩm xuất khẩu.

“Dọc bãi bồi ven sông Thu Bồn, những nương dâu mướt xanh sẽ dần được hồi sinh, tiếng thoi dệt bắt đầu vang lên sau những nong tằm của người dân, lụa sẽ tiếp tục trở lại vươn đi khắp năm châu bể”… Đó không chỉ là mong ước của người dân nơi đây, những người con với nặng lòng với truyền thống trồng dâu nuôi tằm mà còn là chiến lược của tỉnh Quảng Nam khi đang khuyến khích phát triển mở rộng nhiều diện tích trồng dâu; đẩy mạnh tìm đầu ra cho thị trường tiêu thụ sản phẩm./.

Theo baochinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm