Cơ hội cho doanh nghiệp vận tải - logistics Việt Nam tại Ấn Độ
DNVN - Chính phủ Ấn Độ xác định vận tải biển và logistics là khâu đột phá để phát triển đất nước nên đưa ra các chính sách, chiến lược và biện pháp thúc đẩy. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Ấn Độ để hưởng các ưu đãi của Chính phủ.
99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử / Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam?
Thông tin này đã được các diễn giả nhấn mạnh tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Cơ hội đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực vận tải và logistics tại thị trường Ấn Độ” do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức ngày 2/3. Sự kiện được tổ chức nhằm góp phần giải quyết điểm nghẽn, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư hợp tác trong lĩnh vực logistics và vận tải biển tại Ấn Độ, tận dụng tiềm năng và các ưu đãi của Chính phủ Ấn Độ dành cho lĩnh vực này, từ đó thúc đẩy thương mại hai nước.
Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khẳng định, Ấn Độ là thị trường logistics tiềm năng với giá trị 150 tỷ USD, đóng góp 14,4% GDP. Đối với vận tải quốc tế, vận tải đường biển tại Ấn Độ chiếm khoảng 95% về khối lượng và 70% về giá trị. Ấn Độ có 12 cảng chính và 205 cảng nhỏ và trung gian. Trong năm tài chính 2020-2021, 12 cảng chính đã vận chuyển 672 triệu tấn hàng hóa.
Theo ông Thướng, Chính phủ Ấn Độ xác định vận tải biển và logistics là khâu đột phá để phát triển đất nước nên đưa ra các chính sách, chiến lược và biện pháp thúc đẩy. Theo đó, nước này đã thành lập bộ phận logistics thuộc Bộ Công Thương do 1 thứ trưởng phụ trách, đảm nhiệm tất cả các vấn đề liên quan logistics nhất là trong việc phối hợp các bộ, ngành, các bang.
Theo các diễn giả, Chính phủ Ấn Độ có nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực vận tải biển và logistics.
Ấn Độ cũng đã dự thảo chính sách logistics quốc gia với nhiều nội dung toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả lĩnh vực này thông qua việc tối ưu hóa toàn bộ hệ thống logistics từ cảng biển, kho lạnh, đội tàu biển, vận tải nội địa, đường sắt, đường thủy, đảm bảo sinh kế cho cho người dân các làng chài… Đồng thời đưa ra các khâu đột phá là ứng dụng công nghệ thông tin số hóa lĩnh vực logistics, nâng cao hiệu quả khâu đóng gói, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ngoài ra, Ấn Độ miễn thuế 10 năm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển, bảo trì và khai thác cảng, đường thủy nội địa và cảng nội địa. Ấn Độ cũng cho phép tư nhân mua nhượng quyền quản lý tại các cảng do Nhà nước sở hữu với thời hạn 30 năm và có các điều khoản gia hạn tiếp theo. Chính phủ Ấn Độ cho phép nước ngoài thành lập doanh nghiệp FDI 100% theo lộ trình tự động cho các dự án liên quan đến xây dựng và bảo trì các cảng và bến cảng ở Ấn Độ.
Ông Rajeswara Sastry - Giám đốc Công ty Vipra Associates, người có hơn 30 năm kinh nghiệmtrong lĩnh vực logistics, thông quan và các thủ tục liên quan khác cho biết: Với mong muốn phát triển các hình thức vận tải đa phương thức với mục tiêu cắt giảm chi phí vận tải và giảm thời gian vận chuyển, Ấn Độ cần nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Ấn Độ để hưởng các ưu đãi của Chính phủ.
Ngoài ra, Vipra cung cấp các dịch vụ giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, hỗ trợ tìm những yêu cầu về mặt pháp lý khi doanh nghiệp Việt Nam muốn hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ.
Ông Lê Quang Trung mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với các đối tác Ấn Độ.
Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) bày tỏ mong muốn sự giúp đỡ từ phía Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ trong việc tìm kiếm các cơ hội tham gia đầu tư, hợp tác với các đối tác Ấn Độ để phát triển cảng biển ở Ấn Độ.
Ông Trung hy vọng trong thời gian tới VIMC có thể kết nối với các doanh nghiệp vận tải phía Ấn Độ để mở rộng kết nối vận tải đường biển giữa hai quốc gia. VIMC nghiên cứu sâu hơn về thị trường Ấn Độ với mục tiêu thành lập trung tâm trung chuyển cho hàng hóa của Việt Nam để khuyến khích hoạt động trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Cột tin quảng cáo