COVID-19 đã ảnh hưởng thế nào tới sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam?
Giá xăng tăng mạnh lên gần 27.000 đồng/lít, Bộ Công Thương nói gì? / Giá vàng thế giới chiều 1/3 tăng trở lại
Theo chia sẻ của ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh - Sóc Trăng, tác động của đại dịch COVID-19 tới lĩnh vực điện lực của Việt Nam, ở cả lĩnh vực đầu tư phát triển nguồn điện, trong có có năng lượng tái tạo và huy động nguồn phát điện từ các nhà máy điện do sự suy giảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng.
“Qua 2 năm đại dịch COVID-19, việc các nhà máy cắt giảm hoạt động sản xuất dẫn đến dư thừa nguồn cung năng lượng, phụ tải xuống rất thấp ảnh hưởng đến công suất của các nhà máy, nhất là các dự án mới đầu tư dẫn đến quá trình huy động năng lượng vào hệ thống bị ảnh hưởng lớn. Cùng với đó, nhiều địa phương cũng ban hành những chính sách có thể nói là “ngăn sông cấm chợ”, hạn chế việc vận chuyển khiến rất nhiều nhà máy bị chậm tiến độ, không kịp mốc hoà lưới điện, không được hưởng giá FIT ưu đãi đã ảnh hưởng tới tổng thể quá trình đầu tư...”, ông Tùng cho biết.
Thật đáng tiếc trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, rất nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời - nguồn năng lượng thuộc diện được ưu tiên huy động đầu tiên và tối đa công suất đã bắt buộc phải giảm sản lượng trong nhiều thời điểm của năm 2020 và 2021, vì quá tải lưới điện và yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong năm 2020 đã có khoảng 365 triệu kWh điện mặt trời phải tiết giảm. Năm 2021, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện gió và điện mặt trời) tăng lên gần 1,7 tỷ kWhdo vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa và quá tải đường dây siêu cao áp 500kV. Thực trạng này không chỉ lãng phí lượng lớn nguồn năng lượng sạch đã sản xuất ra, công tác đầu tư cho sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng không được như mong muốn.
Ở những thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều tỉnh, thành phố đã phải thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Việc hạn chế đi lại đã dẫn đến không ít DN có kế hoạch đầu tư thiết bị, công nghệ mới tiêu tốn ít điện năng hơn bị chậm tiến độ.
Ông Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực bày tỏ, các lãnh đạo DN chủ yếu quan tâm vào sản xuất, ít quan tâm về vấn đề sử dụng năng lượng nên hệ thống quản lý năng lượng trong nhà máy, cũng như việc quan tâm đến những người quản lý năng lượng trong các nhà máy gần như ít được quan tâm.
“Cùng với hệ thống thiết bị chưa được tốt, hệ thống quản lý năng lượng của chúng ta cũng chưa cao nên hiệu quả sử dụng trong các nhà máy, xí nghiệp còn thấp. Đây chính là tiềm năng, dư địa mà chúng ta cần phải cải tiến trong thời gian tới, đặc biệt là những cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, cơ sở tiêu thụ rất nhiều năng lượng…”, ông Kiên nói.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), dịch Covid-19 đã khiến việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với một số tỉnh, thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Kết quả khảo sát, đánh giá về tính tuân thủ của các DN với việc kiểm toán năng lượng trong năm 2021 cho thấy, việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng chỉ ở mức 30-40%, đây là mức thấp, chưa cao.
Cụ thể, cả năm 2021 mới kiểm toán năng lượng được 91 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Xây dựng mô hình quản lý năng lượng được 17 cơ sở; Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng cho 11 cơ sở; 12 toà nhà được đánh giá hiệu quả năng lượng.
“Trong 2 năm qua, các hoạt động về hỗ trợ kỹ thuật và triển khai các hoạt động sử dụng nguồn ngân sách Trung ương cho Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu của Bộ Công Thương còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí. Năm 2020, Chương trình được cấp 10 tỷ đồng, năm 2021 thì được Bộ Tài chính cấp 30 tỷ đồng là những con số rất nhỏ nếu so với quy mô toàn quốc”, ông Trịnh Quốc Vũ nêu nguyên nhân.
Trong khi thực tế, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta là rất lớn. Hiện nay, các ngành công nghiệp đang chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Theo tính toán của ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, trên cơ sở “Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các DN có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên hiện cả nước có 2.961 cơ sở và hầu hết là các DN sản xuất công nghiệp, với mức tiêu thụ điện bình quân 72 tỷ kWh/năm, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc.
Trong khi đó, nếu các DN này thực hành sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ), thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 2.700 tỷ đồng.
Mặt khác, tiêu dùng điện của cả nước giảm sâu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song, cao điểm mùa nắng nóng ở khu vực miền Bắc (vào các tháng 5-6-7) vẫn xảy ra thiếu điện cục bộ khoảng 2.000MW, tương đương khoảng 18% tổng công suất khu vực miền Bắc. Năm 2022, tình hình khó khăn về nguồn điện tiếp tục xảy ra vào mùa hè (với dự kiến cũng sẽ thiếu hụt khoảng 2.500-3.000MW trong thời gian cao điểm của mùa nắng nóng do chưa có nguồn điện mới nào được đưa vào vận hành, trong khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng điện dự báo tăng cao.
Với 2 kịch bản tăng trưởng điện năm 2022 từ 8-12%, ông Võ Quang Lâm cho rằng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối DN công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính DN, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế,
“Nếu nhìn lại cả khu vực phía Bắc với 27 tỉnh, thành đã có 978 DN sử dụng năng lượng trọng điểm. So với 2.961 DN của toàn quốc thì số DN này sử dụng khoảng 17% lượng điện. Điều này cho thấy, vai trò của các DN thuộc Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm rất quan trọng”, ông Lâm chỉ rõ.
Dưới góc độ chuyên gia tư vấn năng lượng, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP II) nhìn nhận, trong bối cảnh dịch COVID-19, năng lực tài chính của các DN bị suy giảm rất lớn. Hiện nay, hầu như các ưu tiên của DN tập trung nhiều hơn vào câu chuyện thực hiện đầu tư để đảm bảo khả năng duy trì sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được việc tồn tại của DN thay vì câu chuyện nhìn nhận ở dưới góc độ như các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí…
“Tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí không còn là ưu tiên của DN như trước nữa. Những thách thức này đòi hỏi những định hướng khác, các phương án, kế hoạch dài hạn để có thể thúc đẩy đầu tư về tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là một trong những yêu cầu quan trọng và cơ bản nhất để có thể thực hiện được các cam kết ví dụ như NET-ZERO mà Chính phủ vừa thực hiện cam kết tại COP-26 vừa qua, cũng như thực hiện được các yêu cầu như đã nêu trong Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị…”, ông Sơn chỉ rõ.
Rõ ràng, để đạt được NET-ZERO – mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP-26, cùng với việc phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, giảm mạnh tiêu thụ các nguồn năng lượng hoá thạch và tiến đến loại bỏ nhiệt điện than… thì sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là đòi hỏi bắt buộc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp