Thị trường

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp khai thác thị trường Halal

DNVN - Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal toàn cầu. Hiện nay rất nhiều địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến thị trường Hồi giáo, tuy nhiên vẫn còn thiếu thông tin về thị trường hơn 2 tỷ người này.

Đà Nẵng: 4 tháng đầu năm 2024 tiết kiệm gần 23 triệu kWh điện / Đà Nẵng thông xe đường vành đai phía Tây gần 1.500 tỷ đồng

Nhiều thuận lợi

Ngày 22/5, Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Văn phòng Chứng nhận Halal Việt Nam tổ chức hội thảo “Triển vọng thị trường Halal và giải pháp khai thác, tiếp cận thị trường Halal” nhằm triển khai đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Nguyễn Minh Phương giới thiệu về thị trường Halal với các doanh nghiệp Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng giới thiệu về thị trường Halal với các doanh nghiệp Đà Nẵng.

Giám đốc Marketing Văn phòng Chứng nhận Halal Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Hằng cho biết, thị trường Hồi giáo có hơn 2 tỷ người, chiếm hơn 25% dân số thế giới vào năm 2020 và dự kiến tăng lên 2,8 tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới vào năm 2030. Đây là một trong những thị trường lớn và đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu.

Cùng với đó, ngành công nghiệp Halal (cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn cho người Hồi giáo) nói chung và thực phẩm Halal nói riêng cũng có quy mô tầm cỡ, tiềm năng tăng trưởng cao tại khắp các châu lục từ Á, Trung Đông, Phi tới Âu, Mỹ. Tổng giá trị trao đổi thương mại sản phẩm Halal toàn cầu lên tới 2.300 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch, truyền thông/giải trí.

“Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) muốn mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal toàn cầu, như có thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản với tiêu chuẩn cao; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...; cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của nước ta mang tính bổ sung đối với thị trường các nước Hồi giáo”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng cho biết.

Theo bà Nguyễn Minh Phương – Trưởng phòng Tây Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách thương mại, văn hóa, tập quán tiêu dùng của thị trường Hồi giáo đến DN; hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tiếp cận, tham gia hiệu quả thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu thực phẩm Halal; phổ biến các quy định về chứng nhận Halal của các nước và các khu vực tiềm năng tới các DN; thống nhất hệ thống quản lý và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal; nắm bắt và tìm hiểu khó khăn của DN...

Du khách Hồi giáo thích thú với các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng.

Du khách Hồi giáo thích thú với các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng.

Nhưng thiếu thông tin

Bà Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh, hiện nay nhiều địa phương và DN Việt Nam đã quan tâm đến thị trường Hồi giáo; tuy nhiên vẫn chưa hiểu đúng, đầy đủ các thuật ngữ “Halal”, sản phẩm Halal, thị trường Halal....; thiếu thông tin về thị trường, văn hóa, quy định thương mại và tập quán kinh doanh, tiêu dùng để tiếp cận thị trường Halal trong và ngoài nước.

Vì vậy, cuộc hội thảo ngày 22/5 tập trung cung cấp cho các sở, ban, ngành, quận huyện; DN và các Hội/Hiệp hội DN; các nhà hàng, khách sạn, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng những thông tin mới nhất về thị trường các nước Hồi giáo. Đặc biệt là nhấn mạnh các yêu cầu về chứng nhận Halal cho ngành công nghiệp thực phẩm.

Qua đó nhằm tạo điều kiện để DN hiểu rõ và tận dụng cơ hội mở rộng thị trường sản phẩm Halal, tìm kiếm đối tác tiềm năng xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo; các yêu cầu về chứng nhận Halal cho nhà hàng, khách sạn để khai thác nguồn khách Hồi giáo trong thời gian đến.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh, TP này có thế mạnh và tiềm năng lớn trong xuất khẩu thủy sản, thực phẩm, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, OCOP.... sang thị trường Halal, cũng như thu hút du khách từ các nước Hồi giáo. Tuy nhiên số lượng DN quan tâm và có sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Để thúc đẩy phát triển ngành Halal thì việc xây dựng hạ tầng, chuỗi cung ứng bảo đảm tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn Halal là vấn đề đặt ra cho các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm của DN có nhu cầu thâm nhập và phục vụ du khách từ thị trường rộng lớn này.

Qua hội thảo “Triển vọng thị trường Halal và giải pháp khai thác, tiếp cận thị trường Halal”, ông Nguyễn Hữu Hạnh kỳ vọng các cơ quan, tổ chức, DN trên địa bàn Đà Nẵng nắm bắt các thông tin mới nhất, hiểu rõ và tận dụng cơ hội mở rộng thị trường sản phẩm Halal cũng như các yêu cầu về chứng nhận Halal cho nhà hàng, khách sạn để khai thác nguồn khách Hồi giáo trong thời gian đến.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm