Cơ hội mới của thị trường chứng khoán Việt Nam
Hoa đào lạ gần chục triệu mỗi cây săn khách chơi Tết / Sinh viên làm thêm kiếm chục triệu đồng những ngày cận Tết
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng, năm 2018, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đều có những bước phát triển mạnh mẽ.
Thị trường chứng khoán năm 2018 tuy có giảm về chỉ số do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán quốc tế, nhưng các chỉ tiêu quan trọng khác như quy mô, thanh khoản, huy động vốn cho khối doanh nghiệp tư nhân đều tăng trưởng ấn tượng, tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung.
Mức vốn hóa toàn thị trường đạt gần 4 triệu tỷ đồng
Trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Trần Văn Dũng cho biết, đối với thị trường cổ phiếu, mặc dù có những biến động lớn trong năm 2018 nhưng cơ bản vẫn duy trì được đà tăng trưởng về quy mô và thanh khoản. Mức vốn hóa toàn thị trường đạt 3,96 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương 79% GDP năm 2017 và 72% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020. Thanh khoản thị trường cải thiện mạnh với tổng giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 6.547 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với bình quân năm 2017.
Tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt hơn 1.210 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cuối năm 2017. Tuy thị trường cổ phiếu Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong vài năm gần đây, nhưng quy mô thị trường vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới xét cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trên GDP. Cu thể, vốn hóa thị trường của Thái Lan là 548 tỷ USD, Malaysia là 456 tỷ USD, Singapore là 787 tỷ USD và đều chiếm trên 100% GDP.
Đối với thị trường trái phiếu, Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018. Thị trường trái phiếu hiện có quy mô niêm yết đạt 1.122 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2017 với 573 mã trái phiếu niêm yết. Trong đó, trái phiếu Chính phủ chiếm 98% và trái phiếu doanh nghiệp chiếm 2% giá trị niêm yết.
Tuy nhiên, quy mô thị trường còn khá khiêm tốn so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Dư nợ trái phiếu đạt 35,2% GDP năm 2018; trong đó dư nợ trái phiếu Chính phủ là 27,2% và trái phiếu doanh nghiệp là 8,0%, trong khi quy mô thị trường trái phiếu Malaysia đạt 97,7% GDP, Singapore đạt 86% GDP, Hàn Quốc đạt 125,7% GDP, Nhật Bản đạt 211,4% GDP.
Theo ông Trần Văn Dũng, bước sang năm 2019, mặc dù thị trường chứng khoán tiếp tục nhận được hậu thuẫn sự phát triển ổn định của nền kinh tế vĩ mô trong nước cũng như nền tảng phát triển vững chắc của thị trường chứng khoán năm 2018, nhưng chúng ta cũng cần cẩn trọng với các tác động từ bên ngoài.
Ngoài mối quan ngại về những tác động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiềm ẩn những tác động tiêu cực không chỉ đối với kinh tế và thương mại toàn cầu mà cả về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới. Việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến cho chi phí vốn gia tăng, dẫn đến nguy cơ tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và với một thị trường có độ mở cao như Việt Nam thì ít nhiều cũng sẽ bị tác động.
Kỳ vọng “nguồn cung” lớn và chất lượng
“Xét từ các yếu tố nội tại trong nước, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn. Trong thời gian vừa qua, việc phát triển, quản lý và điều hành thị trường chứng khoán đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo; trong đó có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ”, ông Dũng nói.
Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh hai điểm, gồm cải cách thể chế và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Việc phối kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan; trong đó có phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đang được thực thi tốt và mang lại hiệu quả, giúp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP; trong đó có hai nội dung liên quan đến phát triển thị trường chứng khoán là: Tập trung đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới; đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, cùng với tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, việc Chính phủ quyết tâm tạo ra những bước tiến rõ nét về thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2019 đang được kỳ vọng sẽ mang lại cho thị trường chứng khoán một khối lượng hàng hóa lớn và có chất lượng.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng cao do thừa hưởng thành quả của nhiều năm trước, các chỉ tiêu vĩ mô như: thu chi ngân sách, lãi suất và lạm phát giữ ở mức ổn định. Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang được xây dựng với nhiều đổi mới, cải cách sẽ tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho chất lượng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
“Nhìn chung, mặc dù năm 2019 có nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn có thể tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cùng nỗ lực quyết tâm của Ủy ban Chứng khoán và sự tin tưởng, đồng hành từ các thành viên thị trường vì sự phát triển chung của thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tận dụng thách thức biến thành cơ hội để tiếp tục phát triển”, ông Dũng nói.
Dồn sức chuẩn bị thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Để hướng tới một thị trường phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, trong năm 2019, Ủy ban Chứng khoán sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho thị trường chứng khoán phát triển theo chiều hướng lành mạnh, đi vào chiều sâu.
Theo đó, năm 2019 ưu tiên số một vẫn là Luật Chứng khoán (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua tại hai kỳ họp của năm, đi kèm với đó là dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành; trong đó có nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán và Nghị định hướng dẫn xử phạt vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, hoạt động tái cấu trúc thị trường chứng khoán tiếp tục được thúc đẩy; trong đó dồn sức chuẩn bị các điều kiện để thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Tiếp tục cơ cấu lại hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng tăng chất lượng, giảm số lượng.
Về nâng hạng thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ thúc đẩy triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng “thị trường cận biên” (frontier market) lên hạng “thị trường mới nổi” (emerging market) trên bảng xếp hạng MSCI (Morgan Stanley Capital International và FTSE (Financial Times Stock Exchange) .
Đối với việc xây dựng và phát triển sản phẩm mới, trong năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở trong việc triển khai hai sản phẩm là Chứng quyền có đảm bảo (Convered Warrant) và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (Bond future). Nếu điều kiện thuận lợi, năm 2019 dự kiến sẽ cho ra mắt một số sản phẩm mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số khác ngoài VN30...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông