Thị trường

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là 'nam châm' hút vốn

DNVN - Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 là sự bứt phá trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là "nam châm" hút vốn, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,09 tỷ USD, chiếm gần 87% tổng vốn đăng ký và tăng tới 99,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia hội chợ ngành gỗ tại Quy Nhơn / Hoa Kỳ áp thuế 25%, cơ hội nào cho xuất khẩu nhôm, thép Việt?

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 giảm 9,2% so với tháng trước do yếu tố mùa vụ, nhưng vẫn tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực, nhất là khi tháng Tết năm 2024 từng ghi nhận mức giảm mạnh 6,8%.

Trong bức tranh chung, ngành chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính với mức tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành khác như sản xuất và phân phối điện tăng 0,4%, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng mạnh 9,2%.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II có mức tăng trưởng ấn tượng như sản xuất xe có động cơ tăng 33,8%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,6%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan tăng 10,3%, dệt may và điện tử cũng ghi nhận mức tăng từ 3,8% - 6,1%.


Ngành chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính với mức tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các sản phẩm công nghiệp chủ lực, ô tô dẫn đầu với mức tăng 60,7%, tiếp đến là tivi 50,1%, phân bón NPK 13,7%, vải dệt từ sợi tự nhiên 9,6%, sữa tươi 7,3% và quần áo mặc thường 5%.

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 là sự bứt phá trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là "nam châm" hút vốn, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,09 tỷ USD, chiếm gần 87% tổng vốn đăng ký và tăng tới 99,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định: "Các lĩnh vực công nghiệp chủ lực phục hồi mạnh mẽ phản ánh sự cải thiện của môi trường đầu tư và niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng phát triển sản xuất, kinh doanh".

Sản xuất công nghiệp tháng 1/2025 tăng ở 47 địa phương nhưng vẫn ghi nhận mức giảm ở 16 địa phương. Một số tỉnh thành có mức tăng trưởng cao của ngành chế biến, chế tạo gồm Nam Định, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Phước và Hải Phòng với các mức tăng lần lượt 29,9%, 28,5%, 24,2%, 17,0%, 16,6% và 16,3%.

Ngành sản xuất và phân phối điện cũng ghi nhận mức tăng mạnh ở Trà Vinh 56%, Khánh Hòa 30,8% và Bình Thuận 20,6%.

Tuy nhiên, một số địa phương có mức giảm đáng kể như Cà Mau (giảm 16,3%), Gia Lai (giảm 13,2%), Hà Tĩnh (giảm 10,4%), Hà Nội (giảm 9,8%) và TP Hồ Chí Minh (giảm 9,3%). Ngành khai khoáng tiếp tục đối mặt với khó khăn khi Vĩnh Phúc giảm 62%, Gia Lai giảm 59,8% và Đà Nẵng giảm 50,9%.

Bộ Công Thương nhận định, kết quả tăng trưởng tích cực của tháng 1/2025 có sự đóng góp lớn từ các giải pháp giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc để giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh.

Để duy trì đà phục hồi, Bộ Công Thương đề xuất đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ triển khai các dự án lớn. Tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghiệp đường sắt. Hoàn thiện các đề án, chiến lược phát triển công nghiệp địa phương, tích hợp vào quy hoạch quốc gia. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm