Thị trường

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp nối đà tăng trưởng tích cực

DNVN - Phát biểu tại Họp báo về số liệu kinh tế - xã hội quý III/2024 ngày 6/10, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương khẳng định, công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2024 vẫn tiếp nối đà tăng trưởng tích cực. Lĩnh vực này đang là trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế.

Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo / Nhận diện "điểm nghẽn" khiến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chậm phát triển

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2024 vẫn tiếp nối đà tăng trưởng tích cực từ quý II và thật sự là trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế trong quý III và 9 tháng năm 2024. Chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo quý III tăng 6% so với quý trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là quý có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm qua, cao hơn cả mức tăng của năm 2019 (năm trước khi có dịch COVID-19).

Phân tích diễn biến sản xuất công nghiệp trong các tháng của quý III cho thấy xu hướng tích cực tháng sau cao hơn tháng trước. Cụ thể tháng 7 tăng 1% so với tháng 6 và tăng 13,8% so với cùng kỳ; tháng 8 tăng 0,9% so với tháng 7 và tăng 9,1% so với cùng kỳ ; tháng 9 tăng 2% so với tháng 8 và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Họp báo về số liệu kinh tế - xã hội quý III/2024.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bão số 3 (Yagi) có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng mức ảnh hưởng không lớn do có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm khắc phục nhanh sự cố do bão gây ra. Các doanh nghiệp sản xuất đã có các phương án chủ động phòng chống bão, khắc phục thiệt hại sau bão và tổ chức lại sản xuất, tăng ca sản xuất để bù lại lượng thành phẩm đã bị hỏng do bão, bù lại thời gian bị dừng sản xuất để bảo đảm thời gian giao hàng theo đúng các hợp đồng đã ký kết.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ngoài việc bị ảnh hưởng của bão số 3, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng nhưng trong quý cũng có các yếu tố tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng. Một số nhóm ngành sản xuất định hướng xuất khẩu và phục vụ trong nước tăng cao.

Cụ thể, các doanh nghiệp ngành may, da giầy tận dụng tận dụng tốt các lợi thế từ thị trường nước ngoài như bất ổn ở Bangladesh (quốc gia lớn thứ 2 thế giới trong ngành dệt, may, da giầy), rất nhiều đơn hàng của Bangladesh đã được chuyển sang cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp điện, điện tử cũng tăng khối lượng sản xuất do có nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Nhóm ngành sản xuất xăng, dầu tăng cao do cùng kỳ năm trước một số doanh nghiệp nghỉ bảo dưỡng, năm nay gia tăng sản xuất. Ngành sản xuất hóa chất có thêm tổ hợp hóa dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi vào sản xuất từ cuối năm 2023 và chính thức vận hành thương mại trong quý III/2024, sản lượng sản xuất quý III tăng cao so với cùng kỳ.

Cùng đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô tăng mạnh khối lượng sản xuất để tận dụng tốt lợi thế từ Nghị định NĐ 109/2024/NĐ-CP giảm 50% thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ 1/9/2024 để chuẩn bị hàng tiêu thụ cho các tháng tới. Các doanh nghiệp sản xuất giường, tủ, bàn ghế cũng tăng khối lượng sản xuất do có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu.

“Như vậy, có thể thấy công nghiệp chế biến, chế tạo quý III vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ và vẫn tiếp tục thể hiện rõ vai trò là động lực chính cho tăng trưởng trong quý, bù đắp sụt giảm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều động lực tăng trưởng trong quý III sẽ còn tiếp tục duy trì và phát huy trong quý IV/2024”, bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, một trong những điểm sáng của nền kinh tế 9 tháng năm 2024 là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 299,6 tỷ USD, tăng 15,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 278,8 tỷ USD, tăng 17,3%. Trong 9 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với 9 tháng các năm (2020-2024) . Kim ngạch nhập khẩu ước 9 tháng năm 2024 tăng, phản ánh tín hiệu tốt của hoạt động sản xuất trong nước phục hồi so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 giảm 13,9%).

Tính chung 9 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD. Đây là mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020-2024.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm