Thị trường

Lĩnh vực chế biến, chế tạo: Nhu cầu trong nước thấp, tính cạnh tranh cao

DNVN - Báo cáo tại phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 3 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, sáng ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay.

Gia tăng ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu cho nông sản xuất khẩu / “Cú sốc” tổng cầu khiến doanh nghiệp chế biến chế tạo lao đao

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế xã hội quý I/2024 của nước ta. Đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức.

Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn mặn tăng cao và có thể tiếp tục kéo dài.

Nắng nóng, hạn hán, thiếu nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng, sản xuất điện, cân đối nguồn điện trong nước. Cần chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời.

Tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019 . Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

“Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân “, ông Dũng khẳng định.

Cùng với đó, ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn. Số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất làm tăng giá vé máy bay. Ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra.

“Trong quý I, có gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là gần 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5%, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 20,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4%”, ông Dũng cho biết.

Doanh nghiệp chế biến, chế tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân có xu hướng tăng dần. Áp lực lạm phát có thể gia tăng do tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, chính sách cải cách tiền lương, giá nguyên vật liệu tăng…

Tỷ giá USD bán tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng và dự báo còn tiếp tục chịu áp lực tăng do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu dự báo tăng cao. Áp lực dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng lớn trong bối cảnh dư nợ tín dụng tiếp tục tăng thấp cũng như sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD.

Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 1 là 4,79% (cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%), làm tăng chi phí của hệ thống ngân hàng. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi suất cho vay, sức chống chịu trước các thách thức trên thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu và có thể tiềm ẩn rủi ro đến an toàn hệ thống.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn. Khối lượng phát hành quý I giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn.

Đáng chú ý, sự cố giao dịch của VNDirect đã tác động không nhỏ đến tâm lý, quyền lợi nhà đầu tư, có thể ảnh hưởng đến việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán. Do đó, cần tập trung tăng cường bảo mật thông tin, an toàn, an ninh mạng, hoàn thiện các quy định bảo vệ nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường tài chính thời gian tới.

“Đây là những vấn đề cần theo dõi sát. Đồng thời, cần chủ động có giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, thực hiện kiên định, nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Dũng nhấn mạnh.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm