Thị trường

Covid-19 bùng phát chủ các cơ sở Spa “ngậm ngùi” đóng cửa

DNVN - Đóng cửa hàng tạm thời trong 2 tháng, cho nhân viên nghỉ việc luân phiên, hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa hoàn toàn 6 trên 8 chuỗi Spa vì không chịu được chi phí mặt bằng, chi phí thuê nhân sự và các chi phí cố định khác khi doanh thu sụt giảm về âm là những thực tế đang diễn ra trong ngành Spa.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Nhiều nước đóng biên giới, xuất khẩu nhận thêm tin xấu

Hình ảnh các Spa đóng cửa trên khắp các tuyến phố ở Hà Nội.

Hình ảnh các Spa đóng cửa trên khắp các tuyến phố ở Hà Nội.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh từ nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3 chúng ta đã chứng kiến một sự sụt giảm của nền kinh tế nước nhà và chịu tác động trực tiếp của nền kinh tế toàn cầu. Ngoài những ngành phân phối nhu yếu phẩm thiết yếu, phân phối sản phẩm và các cơ sở kinh doanh online chịu tác động ít hơn, còn lại tất cả các ngành kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các cơ sở Spa.

Để xây dựng lên một cơ sở Spa đạt chuẩn phải đầu tư khá lớn, ít nhất cũng từ 1 tỷ tới vài tỷ đồng, từ tiền thuê mặt bằng, sắm máy móc công nghệ cao, đào tạo nhân viên. Từ khi Covid-19 xuất hiện vào đầu năm đến nay doanh số sụt giảm xuống đến đáy. Thu không bù được chi. Thậm chí họ đang phải bù lỗ. Tình hình dịch bệnh kéo dài rất nhiều các anh chị chủ cơ sở đã phải tính bến bước đóng cửa để không bị lỗ quá nhiều. Có những Spa vừa khai trương được mấy tháng đã vướng ngay dịch bệnh.

Chuỗi Spa Ex. gồm 4 cơ sở ở Hà Nội, 1 cơ sở ở Hạ Long, ngày 19/3 đã nhắn tin cho các khách hàng thông báo sẽ tạm đóng cửa đến hết tháng 3 theo công văn mới nhận được của UBND phường. Hết tháng 3, tùy tình hình sẽ xem xét có mở lại hay không. Trước đây vài tuần Spa này đã cho nhân viên nghỉ luân phiên, đi làm 1 tuần, nghỉ 1 tuần, có một số nhân viên thì xin nghỉ hẳn để về quê tránh dịch, một phần do lượng khách đến làm các dịch vụ Spa giảm hẳn, giảm tới 70-80% từ khi Hà Nội có ca bệnh Covid-19 đầu tiên.

Chị Trang, chủ một cơ sở Spa thuộc quận Hoàn Kiếm cho biết: Hiện tại Spa của chị đang phải đóng cửa 2 tháng vì giữ an toàn mùa dịch bệnh theo chủ trương của nhà nước và một phần cũng vì quán quá vắng khách mùa dịch. Nhân sự chị đã phải cắt giảm xuống một nửa. Hoạt động cầm chừng, tối ưu chi phí để có thể duy trì hoạt động. Chị cũng cho biết thêm, bây giờ đang là thời điểm rất căng thẳng và nhạy cảm, sợ nhất là dịch có nguy cơ bùng phát mạnh và Hà Nội phải phong tỏa thì mọi thứ sẽ kéo dài và lâu hồi phục hơn. Nếu tình trạng này kéo dài quá lâu chị cũng chưa dám chắc là có thể trụ vững hay không.

Tiệm chăm sóc sắc đẹp cũng đóng cửa.

Tiệm chăm sóc sắc đẹp cũng đóng cửa.

Tương tự chị Trang, chị Thương chủ cơ sở Spa tại quận Ba Đình đã cho nhân sự nghỉ trước cả khi UBND thành phố Hà Nội có công văn chính thức. Tuy nhiên, với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cộng với việc lường trước được hết các rủi ro có thể xảy ra nên các nhân viên của chị vẫn được nghỉ và hưởng lương bình thường. Chị cho biết nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thêm 1-2 tháng nữa chị vẫn có đủ khả năng duy trì hoạt động của cơ sở mình.

Anh G – Hiện đang là chủ một chuỗi 6 cơ sở Spa trên địa bàn thành phố, trước thực tế diễn ra anh đã quyết định đóng cửa 4 cơ sở và chỉ để lại 2 cơ sở để hoạt động cầm chừng trong mùa dịch. Đợi khi hết dịch anh sẽ có kế hoạch để xây dựng lại. Phương châm của anh thà chịu hy sinh đóng cửa giai đoạn này để thu hồi được một ít vốn còn hơn cố gắng gồng gánh để khi hết dịch là một đống nợ khổng lồ. Như vậy tình hình còn thê thảm và khó hồi phục hơn.

Đó là với những cơ sở đã hoạt động lâu năm, các chủ các cơ sở này đã trải qua đủ mọi cung bậc thăng trầm trong kinh doanh nên họ luôn có được những nước cờ sáng suốt nhất trong thời điểm hiện tại. Có những chủ cơ sở Spa kém may mắn hơn. Khi dịch Covid-19 còn chưa được thống báo, theo kế hoạch họ đã bỏ ra nhiều tỉ đồng để đầu tư Spa. Khi cơ sở mới đi vào hoạt động, mọi thứ mới chỉ bắt đầu thì Covid xuất hiện. Và thế là họ đang phải gồng mình lên bù lỗ vì doanh thu không có. Quyết định đóng cửa giờ chỉ còn trong một sớm một chiều.

Covid-19 bùng phát đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài thêm vài tháng nữa thì các ngành nghề dịch vụ còn bị ảnh hưởng lớn hơn nữa. Theo Ban Kinh tế Trung ương, ước tính có khoảng 10.000 lao động ở Hà Nội sẽ mất việc do các cơ sở kinh doanh đóng cửa do dịch Covid-19. Hơn bao giờ hết, đây chính là lúc mọi người cần nâng cao cảnh giác, nghiêm túc bảo vệ bản thân và gia đình làm theo hướng dẫn của Bộ y tế và Chính phủ để dịch bệnh được khống chế trong thời gian sớm nhất.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm