Thị trường

COVID-19 bùng phát, kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, kinh tế quý I/2021 có thể thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Quảng Ninh giải quyết ách tắc vận chuyển hàng hóa / Hà Nội: Hội chợ Tết vắng bóng người mua, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa sớm

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới khi mà dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến đáng lo ngại.

COVID-19 bùng phát, kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đứng phát biểu) (Ảnh: VGP)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành. Nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trường hợp dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01.

Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).

"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm)", ông Dũng cho biết.

Tác động dai dẳng của COVID-19

Cũng trong phần báo cáo sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã làm rõ hơn bức tranh kinh tế Việt Nam sau tháng đầu tiên của năm 2021.

 

Theo ông Dũng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng. Theo đó, xuất siêu tiếp tục là điểm sáng với động lực xuất khẩu từ ngành chế biến, chế tạo. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tháng 01/2021, tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, ước giải ngân tháng 1/2021 đạt 15 nghìn tỷ đồng, bằng 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 0,95%)…

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam vẫn cũng có nhiều điểm cần lưu ý.

Như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12/2020; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,1%.

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao phản ánh ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 18 nghìn doanh nghiệp, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo ông Dũng, dịch bệnh tiếp tục là trở ngại lớn cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 20/1/2021, tổng số vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần giảm 58,7%.

 

COVID-19 bùng phát, kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn của thị trường chứng khoán sau các đợt rung lắc mạnh vào cuối tháng 1 vừa qua

Ông Dũng cũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn của thị trường chứng khoán sau các đợt rung lắc mạnh vào cuối tháng 1 vừa qua. Cùng với đó là áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn...

"Tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm. Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra", ông Dũng nhấn mạnh.

4 nhiệm vụ trọng tâm

Sau khi nghe các báo cáo, tại phần kết luận của phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước tình hình phức tạp hiện nay của dịch bệnh, Chính phủ phải bản lĩnh, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trước và sau Đại hội XIII, với tinh thần cao nhất phục vụ người dân. Đó là, tập trung phát triển kinh tế, bên cạnh quyết liệt phòng, chống dịch.

 

COVID-19 bùng phát, kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam? - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021 (Ảnh: Thống Nhất)

Để làm được mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm:

- Thứ nhất, tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Trong bối cảnh, tình hình mới, cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước vững bước đi lên, sớm hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra.

- Thứ hai, tiếp tục quyết liệt phòng chống, dập dịch COVID-19, không được chủ quan, có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn, với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

- Thứ ba, tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.

 

Tại đây, Thủ tướng lưu ý một số nội dung nổi bật, đó là nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng cũng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư mà nhiều năm qua chưa làm được.

- Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu tập trung chuẩn bị phục vụ Tết, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, hạnh phúc.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngay sau Tết, phải bắt tay vào công việc, không để xảy ra tình trạng "tháng Giêng là tháng ăn chơi".

"Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không dùng ngân sách Nhà nước, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi", Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm