Đà Nẵng mong nhận được những giải pháp hiệu quả để nhanh chóng phát triển kinh tế đêm
Đà Nẵng: Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC (Mỹ) hoàn thành giai đoạn 1 / Đà Nẵng: Khởi động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giải trí ban đêm để kích cầu du lịch
Kinh tế đêm đem lại nguồn lợi to lớn cho du lịch các nước
Ngày 27/10/2019, báo điện tử VTV có bài “Đà Nẵng đang bỏ lỡ cơ hội lớn từ kinh tế đêm”; trong đó có nhấn mạnh, mặc dù sở hữu các bãi biển được coi là quyến rũ nhất hành tinh, điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á… nhưng Đà Nẵng lại đang bỏ ngỏ “mỏ vàng” từ kinh tế đêm. Không ít du khách muốn trả nghiệm TP này về đêm nhưng có rất ít lựa chọn, và phần lớn dịch vụ đều đóng cửa lúc 22h. Hoạt động kinh doanh về đêm manh mún, thiếu quy hoạch và đầu tư chưa được chuyên nghiệp, bài bản.
Giá trị của nền kinh tế dưới ánh đèn điện không ngừng tăng trưởng và ước tính đạt quy mô 400 tỉ yên Nhật tại Nhật Bản vào năm 2020 (Ảnh: HC)
Sau đó gần 1 tháng, ngày 20/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Đà Nẵng nghiên cứu đưa ra những giải pháp phù hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần của chỉ đạo này, Tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Sun World (Sun Group) và Vietnam Airlines tổ chức ngày 10/7/2020 với mong muốn hiện thực hóa giấc mơ biến Đà Nẵng trở thành “TP không ngủ” về đêm.Tại Tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến du lịch Đà Nẵng vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng và sánh bằng những điểm đến nổi tiếng trong khu vực chính là sự thiếu vắng của du lịch về đêm. Hiểu một cách đơn giản, kinh tế ban đêm là bao gồm tất cả các hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h cho tới 6h sáng hôm sau, như ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện.
Trên thực tế, tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các TP lớn đều có nền kinh tế ban đêm phát triển. Cùng với châu Âu, Mỹ cũng là một trong những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế về đêm. Nhiều quốc gia tại châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng nhanh chóng phát triển mô hình du lịch đêm với hàng loạt địa danh quá nổi tiếng với dân du lịch.
Trong những năm qua, giá trị của nền kinh tế dưới ánh đèn điện không ngừng tăng trưởng và ước tính đạt quy mô 400 tỉ yên Nhật tại Nhật Bản vào năm 2020. Trong nền kinh tế ban đêm của New York, chuỗi các nhà hàng đóng vai trò quan trọng nhất khi mang về 12 tỉ USD và tạo ra trên 140 nghìn việc làm mỗi năm chỉ tính ban đêm…
Nghịch lý tồn tại nhiều năm qua của du lịch Đà Nẵng
Cùng với xu hướng phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam những năm gần đây, TP Đà Nẵng cũng đã có các hoạt động và sản phẩm du lịch về đêm, như các mô hình chợ đêm Helio, chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Thanh Khê… song về cơ bản tính đến thời điểm trước dịch Covid-19, mới chỉ có chợ đêm Sơn Trà phần nào trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều du khách thì quy mô, chất lượng sản phẩm của chợ đêm Sơn Trà vẫn còn hạn chế.
Gần đây, đề án phố du lịch An Thượng được kỳ vọng sẽ trở thành “phố không ngủ” dành cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Thế nhưng đến nay việc thực hiện phố du lịch này vẫn còn nhiều vướng mắc, một phần vì các sản phẩm dịch vụ chưa hoàn thiện, một phần khác do các hàng quán, dịch vụ nằm giữa khu dân cư nên nếu hoạt động quá khuya sẽ ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng đã gây thêm ảnh hưởng tiêu cực cho việc thực hiện đề án này.
Chợ đêm Sơn Trà (Đà Nẵng) vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh, các hoạt động, dịch vụ về đêm trên địa bàn TP hiện nay đáp ứng một phần nhu cầu của người dân và du khách. Tuy nhiên, thời gian hoạt động ban đêm của hầu hết các dịch vụ (show diễn, khu vui chơi, du lịch đường thủy nội địa, nhà hàng, cơ sở chăm sóc sức khỏe/làm đẹp...) chỉ đến khoảng 22-23h đêm.Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc (bar, pub, karaoke...) hoạt động đến 24h theo quy định; sau thời gian này, chỉ còn một số dịch vụ bar, pub trong các khách sạn, vũ trường, quán ăn khuya... và sẽ kết thúc vào lúc 2h sáng, chỉ có khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài hoạt động 24/24h.
Quy mô các hoạt động còn nhỏ lẻ, nằm rải rác xen lẫn khu dân cư, nhiều cơ sở dịch vụ được thuê mặt bằng kinh doanh từ nhà dân nên thiếu tính ổn định lâu dài, sức hấp dẫn của các dịch vụ chưa cao, các hoạt động sau 22h đêm vẫn còn đơn điệu, thiếu bản sắc, thiếu những điểm vui chơi giải trí tập trung, qui mô lớn với các dịch vụ đa dạng để thu hút khách.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng thừa nhận một thực tế là nhiều năm qua du lịch TP này đang tồn tại một nghịch lý: Du khách rất hào hứng với việc tham quan, vui chơi trên địa bàn TP vào ban ngày, nhưng họ không có nhiều lựa chọn để vui chơi, giải trí về đêm.
“Đặc thực tế này trong bối cảnh du lịch Đà Nẵng hậu Covid-19, khi thị trường trong nước đang là trọng yếu, và nhìn lại bài học thành công trong việc phục hồi du lịch sau đại dịch SARS năm 2003 nhờ phát triển kinh tế đêm của một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Hồng Kông… sẽ thấy rõ ràng việc gia tăng các sản phẩm, dịch vụ ban đêm có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức hút cho điểm đến Đà Nẵng ngay cả trong mùa thấp điểm, cũng như gia tăng chi tiêu và số ngày lưu trú của du khách đến TP!” – ông Lê Trung Chinh nói.
Đà Nẵng mong muốn lắng nghe những giải pháp về phát triển kinh tế đêm
Theo số liệu thống kê của Google, với những thuận lợi từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, các từ khóa tìm kiếm du lịch Việt Nam trong tháng 6 đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 6 tuần trước đó. Tuy nhiên trong Top 10 tìm kiếm, Đà Nẵng lại bất ngờ vắng bóng, cho dù mới chỉ đầu năm nay, cũng theo số liệu của Google, TP bên sông Hàn đứng đầu bảng xếp hạng 10 điểm đến toàn cầu năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi tọa đàm.
Có thể nói chưa bao giờ việc phát triển các sản phẩm dịch vụ và du lịch đêm lại được xem là giải pháp quan trọng và cần thiết đến như hiện nay để Đà Nẵng thu hút và mời gọi du khách chi tiêu nhiều hơn. Đó cũng là cơ sở để Đà Nẵng tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn về du lịch triển khai, hình thành các sản phẩm du lịch đêm chất lượng nhằm khai thác nguồn lợi khổng lồ từ thị trường này.Phát triển du lịch đêm sẽ là xu hướng tất yếu và cần thiết nhằm tăng cường sức hút cho du lịch, phát triển điểm đến, tạo sức bật mới cho du lịch Đà Nẵng, đánh thức và giúp ngành công nghiệp không khói phục hồi nhanh.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trước khi xảy ra dịch Covid-19, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương hoàn thiện dịch vụ khu phố du lịch An Thượng, tổ chức thí điểm chợ đêm 24/7 tại các khu vực bãi biển phố du lịch An Thượng; tổ chức phố đêm Bạch Đằng, kêu gọi đầu tư dịch vụ giải trí đêm ở khu vực cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi…
“Nay là lúc Đà Nẵng cân nhắc xem xét khởi động lại những dự án này” – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nói. Theo ông, đây sẽ là những đòn bẩy mới không chỉ giúp ngành du lịch Đà Nẵng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ hậu Covid-19 mà còn thúc đẩy trong thời gian tới sẽ hình thành nên một nền kinh tế đêm hiện hầu như còn đang bỏ ngỏ.
Ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh, từ thực tế tồn tại của du lịch Đà Nẵng còn thiếu vắng nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch đêm, từ mong muốn có thêm nhiều sản phẩm mới, dịch vụ mới và cách làm kinh tế đêm an toàn, hấp dẫn du khách, gia tăng chi tiêu cũng như thời gian lưu trú của du khách khi đến Đà Nẵng, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đáng giá cao tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm”.
“Không chỉ trong khuôn khổ buổi tọa đàm mà còn rộng ra hơn nữa, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được những đề xuất, giải pháp và cách làm hiệu quả từ các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng để lãnh đạo TP cùng với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và các đơn vị hữu quan nghiên cứu, lập chiến lược nhanh chóng thắp sáng nền kinh tế ban đêm của Đà Nẵng” – ông Lê Trung Chinh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo